Điểm chuẩn của nhiều trường ĐH năm nay giảm mạnh, có trường giảm tới 9 điểm. Nhiều trường sẽ phải tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2.
Điểm chuẩn vào nhiều trường ĐH giảm mạnh
Điểm chuẩn giảm đáng kể nhất là những trường Y, Dược. Cụ thể, trường ÐH Y dược TPHCM, ngành dược học có điểm chuẩn giảm 5,2 điểm (chỉ còn 22,3 điểm). Tiếp đó là ngành y đa khoa, dù vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường với 24,95 điểm, song so với năm 2017, ngành này giảm đến 4,3 điểm.
Điểm chuẩn vào các trường ĐH năm nay giảm nhiều nhất là các ngành y, dược - ảnh kinhtedothi. |
Khoa Y (ÐH Quốc gia TPHCM) cũng không ngoại lệ khi điểm chuẩn năm nay giảm 4,5 điểm từ 26,5 điểm y khoa chất lượng cao và dược học lần lượt xuống còn 22,1 điểm và 22 điểm.
Mức trúng tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự - Bộ Quốc phòng công bố chiều 5/8 giảm sâu so với năm 2017 từ 3-5 điểm. Cá biệt có ngành giảm gần 9 điểm (Học viện Quân y).
Cụ thể, thí sinh nam ở miền Bắc dự thi vào Học viện Quân y, khối A00, có mức trúng tuyển giảm 8,95 điểm so với năm ngoái (điểm trúng tuyển năm nay là 20,05 và năm 2017 là 29). Đây được xem là điểm gây bất ngờ nhất trong đợt xét tuyển này.
Trước đó, các trường Y - Dược dự báo điểm chuẩn giảm 3-4 điểm. Thực tế cho thấy mức trúng tuyển đã giảm sâu 5-6 điểm.
Ở các khối ngành khác từ sư phạm, kinh tế đến kỹ thuật và xã hội điểm chuẩn năm nay cũng giảm mạnh.
Cụ thể, những ngành “hot” của trường ÐH Sư phạm TPHCM năm nay điều giảm 3- 4 điểm.
Trong khi đó, một số ngành của các trường ÐH vùng, đại học địa phương như ÐH Huế, ÐH Ðà Nẵng, trường ÐH Phan Châu Trinh… có mức điểm chuẩn chỉ tập trung từ 13- 14 điểm.
Nguyên nhân điểm chuẩn ĐH thấp
Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên tại Hà Nội - nhận định nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là do đề thi năm nay quá khó, đặc biệt là ở những câu vận dụng và vận dụng cao.
Nếu như năm ngoái cả nước có hơn 4.200 điểm 10, thì năm nay con số này chỉ khoảng hơn 40, giảm tới hơn 100 lần. Đó là chưa kể một số điểm 10 do thí sinh gian lận thi cử ở địa phương đã và sẽ còn điều chỉnh sau công bố.
Cùng với mức 10 điểm, số thí sinh đạt điểm trên 9 ở các môn thi cũng giảm hàng trăm lần.
Trong khi đó, các trường top 2 có mức giảm điểm ít gây sốc hơn so với top đầu. Thậm chí, một số ngành mới phù hợp xu hướng và cơ hội việc làm tốt, mức điểm khá cao hoặc tăng như Logistics, Thương mại Điện tử, Khởi nghiệp...
Nguyên nhân thứ hai góp phần làm điểm chuẩn các trường giảm mạnh, đặc biệt ở top đầu, là Bộ GD&ĐT giảm mức điểm cộng khu vực chỉ còn 1/2 so với trước.
Những năm trước, hầu hết thí sinh đỗ các trường top đầu (Y, Dược, công an, quân đội) thường có điểm cộng khu vực hỗ trợ, khi mức điểm chuẩn các trường này đều ở mức "không tưởng", từ 28 đến 30. Ví dụ năm 2017, trong số 476 thí sinh đỗ ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội, 452 em có điểm cộng khu vực (trên 95%).
Trong xu hướng lựa chọn ngành nghề, học sinh ở các thành phố lớn thường thiên về kinh tế, dịch vụ, khai thác nhiều thế mạnh về ngoại ngữ, hơn là khối ngành Y, Dược, trường công an, quân đội.... Do đó, sự ảnh hưởng của việc giảm điểm cộng khu vực tới các trường top đầu cũng cao hơn so với trường khác.
Nguyên nhân thứ ba là thiếu các tư vấn, phân tích, hỗ trợ chính xác, tin cậy nên nhiều học sinh đánh giá chưa đúng về mặt bằng điểm chuẩn năm nay. Nhiều thí sinh không hiểu rõ các nguyên tắc ưu tiên xét tuyển nên chưa tối ưu hóa được điểm số của mình trong xét tuyển.
Chính vì thế, rất ít đại học đưa ra dự báo chính thức về mức điểm chuẩn của các nhóm ngành của trường mình, mức điểm sàn tiếp nhận hồ sơ thực tế không có nhiều ý nghĩa. Điều này khiến không ít sĩ tử có mức điểm rất tốt, từ 22-25 (tương đương 26-29,5 của 2017), nhưng không biết vị trí ưu thế của mình, cũng như tương quan tốt so với các bạn.
Nhiều em trong số này chọn đăng ký ngành/trường ở mức điểm chuẩn thấp hơn so với thực tế để "đảm bảo an toàn", trong khi lẽ ra với điểm số đó có thể đỗ vào những ngành/trường ở mức điểm cao hơn nhiều.
Ngoài ra, một số thí sinh do đánh giá sai vai trò của tiêu chí phụ "thứ tự nguyện vọng" nên cũng không dám "liều" đăng ký các ngành ở mức điểm chuẩn cao.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng ở nguyên nhân thứ ba này, vai trò truyền thông, phân tích, tư vấn, dự báo của các trường và các chuyên gia rất quan trọng. Những trường làm việc có trách nhiệm và thực hiện tốt công tác này sẽ có nhiều cơ hội hơn để tuyển được đúng những thí sinh có năng lực, sở thích, nguyện vọng phù hợp yêu cầu đào tạo của trường và có nhiều lợi thế so với các trường khác trong công tác tuyển sinh.
Cơ hội cho thí sinh đăng kí nguyện vọng bổ sung
Mặc dù điểm chuẩn giảm song vẫn có nhiều trường hợp thí sinh điểm cao nhưng trượt đại học hoặc có trường hợp thí sinh trúng tuyển vào ngành và trường mình không yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều trường dự kiến vẫn sẽ tuyển tiếp nguyện vọng bổ sung đợt 2. Do đó, cơ hội cho các thí sinh vẫn còn, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tiến sĩ Nguyễn Ðức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ÐH Quốc gia TPHCM cho hay, cơ hội vẫn còn cho các thí sinh này. Thí sinh không muốn trúng tuyển ngành đó thì có thể không xác nhận nhập học để tiếp tục xét tuyển bổ sung các trường khác.
“Thậm chí, với thí sinh trong đợt tháng 4, không đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển thì trong đợt xét bổ sung vẫn có thể tham gia xét tuyển. Còn nếu đã xác nhận nhập học theo kết quả thi THPT quốc gia thì thí sinh vẫn còn cách là xét học bạ THPT để tìm cơ hội khác”, ông Nghĩa nói.
Minh Minh(T/h)