(ĐSPL) - Dịch vụ cầm đồ hiện diện ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, cùng những hoạt động "ngầm" của loại hình dịch vụ này đã để lại những hệ lụy khôn lường...
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội, dịch vụ cầm đồ mọc lên nhan nhản ở khắp nơi. Không riêng ở đường Láng, Thụy Khuê, Đặng Dung... những con phố được coi là trung tâm của dịch vụ cầm đồ, nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ đang mọc lên ngay cả ở các ngóc ngách ngõ hẻm, thậm chí trước các cổng trường đại học cũng có sự hiện diện của loại hình dịch vụ này. Chính sự "trăm hoa đua nở" này cùng với những "hoạt động ngầm" của dịch vụ cầm đồ đang khiến nhiều người lo ngại.
Khi dịch vụ cầm đồ... cho vay nặng lãi
Nhiều người muốn vay tiền cầm đồ thì phải có tài sản thế chấp như giấy CNCQ đất, giấy CNCQ nhà, trái phiếu…, cầm dài hạn tính lãi hàng tháng, cầm ngắn hạn thì tính lãi hàng ngày. Thông thường, các cửa hiệu cầm đồ đánh giá tài sản cầm cố quy ra tiền, và tính lãi suất theo từng triệu đồng, thấp nhất là 3.000 đồng/triệu đồng/ngày và cao có thể lên tới 12.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương ứng mức lãi suất 72 - 110\%/năm.
Nếu làm phép tính nhân số tiền lãi với số tiền và số ngày đi vay, dễ dàng thấy người vay phải trả lãi ngang bằng, thậm chí nhiều hơn cả vốn. Đó là còn chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều. Những giao kèo, ký kết hợp đồng giữa đôi bên chỉ là thỏa thuận, có khi thủ tục rất đơn giản, chỉ là một tờ giấy.
|
Hàng loạt hiệu cầm đồ mọc lên để cầm cố tài sản của người vay, nhưng thực chất là vay nặng lãi. |
Theo thông tin chị P ở Láng Hạ cho biết, cuối năm 2011 chị có quen biết với chị H vì con chị P học cùng với con chị H nên đã vay của chị H 300 triệu cho cậu em đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Đến nay, tổng cộng chị P đã trả cho chị H 690 triệu.
Thế nhưng, lãi mẹ đẻ lãi con do chị H tự tính với lãi suất là 6\%/tháng, tức là 72\%/năm và chỉ chấp nhận trừ cho chị P 100 triệu vào tiền gốc, còn lại 590 triệu tính vào lãi. Sau đó chị H tự tính toán số tiền gốc và lãi, gộp lại và bắt chị P viết giấy vay mới khác với tổng số tiền là 285 triệu để hợp thức hóa số tiền này thành một khoản vay mới hoàn toàn.
Do đã phải trả quá gấp đôi số tiền vay gốc mà vẫn bị bắt viết lại giấy nợ thành khoản vay mới với số tiền không ít hơn số gốc là bao nhiêu nên chị P đã không thể vay mượn thêm để trả cho chị H được nữa.
Tuy nhiên khi chị P đang choáng váng với giấy vay nợ mới viết thì chị H đã quay sang dùng chiêu bài đưa người đến nhà đe dọa và thậm chí đến công ty của chồng chị P nói xấu, vu khống và ép chồng chị P phải trả nợ thay.
Điều đáng nói là hiện nay dịch vụ cầm đồ ngày càng biến tướng mạnh mẽ. Từ chuyện cho cầm cố chiếc xe đạp, thẻ sinh viên thì nay hoạt động này còn bổ sung thêm các dịch vụ khác như: cho vay nóng, tiêu thụ xe ăn trộm căn cắp…
|
Chủ một hiệu cầm đồ trên phố Thụy Khuê cho biết, muốn vay tiền thì phải có tài sản thế chấp. |
Hợp pháp hóa hình thức làm ăn phi pháp
Xuất phát ban đầu chỉ là quan hệ vay mượn dân sự. Thông thường là những quan hệ thân quen hoặc qua các giới thiệu bảo đảm hình thành quan hệ vay - cho vay.
Khi người vay càng cố gắng vay mượn để chi trả (vay chỗ này trả cho chỗ kia, chấp nhận lãi suất cao) càng dấn sâu vào nợ nần chồng chất do mức lãi cắt cổ và lãi mẹ đẻ lãi con, nên người vay không còn kiểm soát được tình hình.
Chính lúc này, chủ nợ đã ra tay bắt chẹt, đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng từ vài chục phần trăm, có khi tới cả 100\% để dồn ép con nợ đến chân tường, buộc phải ký nhận nợ khống mà bất chấp tất cả các giới hạn quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để tránh bị quy vào tội “cho vay nặng lãi”, chủ nợ thường hành nghề rất chuyên nghiệp, không để lại dấu vết gì về lãi suất, nhưng lại luôn có đủ giấy tờ nhận nợ để khi cần là có thể xuất trình chứng cứ cho các cơ quan tố tụng yêu cầu truy cứu trách nhiệm của con nợ.
Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng luật sư Trí Minh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì lãi suất cho vay chỉ được phép tối đa = 150\% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo quyết định 2868/QĐ-NHNN áp dụng từ ngày 01.12.2010 thì lãi suất cơ bản = 9\%/năm, lãi suất cho vay tối đa chỉ được 13,5\%/năm.
“Do vậy trường hợp của P nêu ở trên bên vay nên khởi kiện ra tòa để tuyên vô hiệu phần lãi suất trong hợp đồng cho vay. Khi đó Tòa án sẽ xác định lãi lãi suất ở mức tối đa là 13,5\%/năm. Sau đó lấy số tiền mà bên vay đã trả trừ khoản lãi tính đến thời điểm trả. Sau khi trừ hết lãi tính đến thời điểm trả mà vẫn còn dư thì trừ tiếp vào nợ gốc, nếu sau khi trừ vào nợ gốc mà còn dư thì sẽ yêu cầu phía chị Hạnh hoàn trả lại cho chị P. Trường hợp trên có thể dễ dàng tính toán được rằng nếu bên chị P khởi kiện tại Tòa án như đã nói thì không những không phải trả tiếp mà sẽ được hoàn trả lại một phần số tiền", luật sư Hoàng Văn Thạch cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, do cơ quan quản lý không kiểm soát chặt chẽ hoạt động dịch vụ cầm đồ nên để nó biến tướng và gây những hệ lụy nghiêm trọng. Trong đó dịch vụ cầm đồ là đầu dây của những vụ vỡ nợ tín dụng đen, "giết người". Thật ra có cầu thì ắt có cung, việc ra đời và hình thành nhiều các cửa hàng cầm đồ cho vay nặng lãi cũng là do người dân không thể tiếp cận với vốn từ các kênh truyền thống, buộc họ phải tìm "chợ trời”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-vu-cam-do-bien-tuong-va-nhung-he-luy-khon-luong-a28516.html