(ĐSPL) - Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 20.500 trường hợp mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh/thành phố, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là EV71.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam chiếm 80,4\%. Mặc dù số ca mắc giảm 18,6\%, số tử vong giảm 05 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 và số ca mắc giảm 52,7\%, số tử vong giảm 20 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao cục bộ tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh tăng 23,7\%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 27,9\%, Cà Mau tăng 17,2\%, Bình Dương tăng 9,5\%, Kon Tum tăng 44,6\%.
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. |
Để chủ động công tác phòng chống, hạn chế sự gia tăng của bệnh tay chân miệng, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 585/CĐ-TTg ngày 06/5/2014 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 2335/BYT-DP ngày 29/4/2014 của gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong mùa xuân hè.
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là khi trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, có các nốt phỏng đỏ hoặc loét ở tay, chân hoặc miệng thì các bà mẹ nên đưa con ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
ĐỖ VIỆT
Xem thêm clip: Vợ Bầu Kiên đằm thắm đến dự phiên tòa của chồng