(ĐSPL)- Gần như là người cuối cùng rời khỏi phòng thi môn Toán trong buổi thi sáng nay, bởi không giống như những thí sinh bình thường khác, em Trần Xuân Bách phải chờ bố mình lên tới tận phòng thi đón về.
Thí sinh Lê Xuân Bách (1992), tới từ Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ, là một trong những thí sinh đặc biệt tham dự kỳ tuyển sinh Đại học năm nay, em bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, liệt cả hai chân.
Bằng mọi giá cũng muốn thực hiện mong ước của con
Trò chuyện với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, bác Lê Văn Hồng (55 tuổi) – bố của em Bách cho biết, năm trước em cũng đã tham dự kỳ thi Đại học và đỗ vào Đại học FPT nhưng không giành được học bổng nên quyết định không theo học vì học phí quá cao. Bác cũng nói thêm rằng, nhà có hai anh em trai, ngoài Bách còn một người anh nữa, đang làm tại FPT. Khi được hỏi có phải chính vì công viêc của người anh trai khiến em Bách quyết định thi vào Đại học FPT năm ngoái không, bác Hồng bật cười: “Không phải đâu, là tự Bách thích máy tính, thích công nghệ, luôn tự mình mò mẫm và lựa chọn, năm ngoái cũng thế, năm nay cũng vậy, bác không bao giờ gây áp lực hay nói con phải thi trường gì, học ngành nào, tất cả là theo ý kiến riêng của bản thân Bách”.
Là phụ huynh duy nhất phải đưa con tới tận phòng thi, nhưng bác Hồng không hề cảm thấy khác biệt hay lo lắng, bởi đây là công việc hai cha con đã làm từ rất nhiều năm nay rồi. “Vì em không thể tự đi lại, nên bố con đi đâu cũng có nhau, tôi đã cùng cháu đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động, và có thêm kinh nghiệm từ năm ngoái, cả nhà đã tính toán tới nhiều trường hợp rồi. Hơn nữa, xuống đây được các tình nguyện viên giúp đỡ nhiệt tình, được tạo điều kiện cho ở luôn trong kí túc xá của trường nên không có gì phải lo lắng cả”.
Bác Hồng chia sẻ rằng vợ mình làm giáo viên, còn bác làm nông nghiệp, ruộng không có nhiều, chủ yếu là chăn nuôi vườn cây ao cá, lần này kỳ thi Đại học diễn ra vào đúng dịp cấy vụ Hè Thu nhưng vườn ruộng cứ để đó đã, đưa con đi thi mới là việc quan trọng. “Dạo trước, lúc học xong cấp 2 Bách đã nghỉ học 2 năm rồi đấy chứ, rồi nó thích máy tính nên nhà mua cho máy tính để em tìm hiểu, dần dần rồi say mê, Bách quyết định thi cấp 3 để tiếp tục đi học, nuôi dưỡng ước mơ với máy tính. Nhìn con ngày nào cũng học tới 12h đêm nên gia đình càng quyết tâm cho em học hành, bằng giá nào cũng phải thực hiện được mong ước và đam mê của con”.
Hai bố con thí sinh Trần Xuân Bách tại phòng kí túc Học viện Bưu chính viễn thông. |
Ước mơ trở thành kĩ sư thiết kế đồ họa
Rời khỏi phòng thì với nụ cười thoải mái, Bách chia sẻ, “Đề thi khá vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa, em đã ôn luyện rất nhiều, và bài làm cũng ổn, chỉ mong những môn thi sau cũng được như vậy. Em chỉ đăng kí thi có mỗi trường này thôi”.
Dù không thể tự đi trên đôi chân của mình, nhưng trò chuyện cùng Bách, phóng viên vẫn nhận ra sự lạc quan, yêu đời của em, đặc biệt là đôi mắt sáng lấp lánh khi nhắc tới việc học tập và từng bước thực hiện ước mơ của riêng mình.
“Từ nhỏ em đã không đi được, mới đầu làm việc gì cũng khó khăn, nhưng sau dần cũng quen. Những việc nặng nhọc em không làm được, còn việc nhẹ vẫn có thể tự mình gắng sức. Em rất thích học, và say mê máy tính. Năm ngoái, sau khi không giành được học bổng của trường FPT, em nghỉ ở nhà, bố mẹ đã mở cho em một cửa hàng sửa chữa điện thoại di dộng, nhưng không cảm thấy phù hợp và niềm yêu thích nên em lại quyết tâm thi thêm lần nữa vào ngành Công nghệ đa phương tiện của trường Bưu chính viễn thông, hi vọng mọi chuyện năm nay sẽ tốt đẹp hơn”.
Bách xem lại giấy tờ, chuẩn bị cho buổi thi tiếp theo. |
Hơi ngại ngùng một chút khi nghe phóng viên hỏi về ước mơ lớn nhất của mình, nhưng một lúc sau, vì tâm trạng khá thoải mái khi hoàn thành tốt môn Toán và không khí trò chuyện chân thành cùng các phóng viên, em Bách nhẹ nhàng tâm sự: “Hiện giờ mong muốn trước mắt của em chỉ là có thể vượt qua kỳ thi này, được đi học Đại học, sau đó mới nghĩ tới những chuyện xa hơn, trong tương lai, em ước mơ được trở thành một nhà thiết kế đồ họa”.