(ĐSPL) - Mục tiêu đến 2020, huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.
Sáng 1/10, tại Quảng Ngãi, hàng trăm nhà quản lý, khoa học đã đến tham dự Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn, do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giữa) và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang) chủ trì Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo còn có các Ông: Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương và các ban, ngành của Trung ương, của địa phương tỉnh Quảng Ngãi cùng hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư....
Việc phát triển mạnh mẽ Lý Sơn sau khi có điện lưới quốc gia càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tạo bước đột phá cho huyện đảo Lý Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Mục tiêu đến 2020, huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thế kỷ XXI được thế giới xem là “Thế kỷ của đại dương”, các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc phát triển kinh tế biển. Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo, với hơn 3.300 km bờ biển, có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, có vùng nội thủy, vùng lãnh hải, đặc quyền và thềm lục địa gần gấp 3 lần diện tích đất liền. Chủ trương phát triển kinh tế biển được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ: "Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn", đồng thời "kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường..."
Huyện đảo Lý Sơn có dân số hơn 20.500 người, cách đất liền khoảng 28 km, có diện tích tự nhiên gần 10,32 km2, bao gồm đảo Lớn, đảo Bé và hòn Cù Mu ở phía đông của đảo Lớn, với chiều dài bờ biển trên 25 km, nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ Quốc, có nhiều tiềm năng về du lịch và những tư liệu quí về Hoàng Sa, có mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ với các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận. Xét tổng thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thì huyện đảo Lý Sơn nằm trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là con đường ra Biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất. Huyện đảo Lý Sơn có vị trí, vai trò rất quan trọng và tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh.
Để tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong những năm tới, trước yêu cầu của tình hình mới, cần phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế biển. Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo này là bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược biển mà Trung ương đã đề ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn. Đặt ra nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của huyện đảo Lý Sơn trong tình hình mới phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững (hiện còn đến 25\% hộ nghèo), giảm nghèo bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu lên một số nội dung để các đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ. Đó là, xác định rõ vai trò và vị thế của huyện đảo Lý Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Đồng thời, phải nhận dạng tiềm năng và lợi thế, khó khăn và thách thức của huyện đảo Lý Sơn trong quá trình phát triển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Hội thảo cần tập trung đánh giá về định hướng và ưu tiên phát triển chính của Lý Sơn trên các lĩnh vực như ngư nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Thảo luận các biện pháp ưu đãi và biện pháp hỗ trợ trong thời gian qua của Chính phủ và địa phương. Chỉ rõ những mặt tích cực, hạn chế và bất cập trong chính sách ưu đãi. Đồng thời cần làm rõ hướng ra của Lý Sơn, nhất là các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, các giải pháp huy động nguồn lực để phát triển trong thời gian tới, các giải pháp đột phá và đặc thù trên cơ sở lợi thế riêng của huyện đảo. Hoàn thiện quy hoạch từng khu vực để phát triển các phân khu chức năng gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần nghề cá, phát triển nông nghiệp đặc hữu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, các suy thoái về nguồn nước đối với cuộc sống của người dân trên đảo gắn phát triển đảo với chương trình và mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (bìa trái) trao tặng 126 tủ thuốc trị cho ngư dân Lý Sơn. |
Cũng tại Hội thảo, thể hiện tình cảm sâu sắc đối với nhân dân Lý Sơn và Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa trị giá khoảng 500 triệu đồng cho 10 hộ nghèo tỉnh Quảng Ngãi; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã trao tặng 126 tủ thuốc trị giá khoảng 300 triệu đồng cho ngư dân Lý Sơn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng 02 tỷ đồng cho huyện Lý Sơn để xây dựng trường mầm non; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng 10 tỷ đồng cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn làm nhà vệ sinh, cải thiện môi trường và ký kết giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi với Ngành ngân hàng và ngân hàng Agribank tài trợ đóng 01 tàu cá kiểu mẫu cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn.