(ĐSPL) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) cho rằng, có một biện pháp mạnh hơn phạt tiền là nêu tên người vi phạm lên thông tin đại chúng.
Hà Nội đang có dự định học theo Đà Nẵng xử phạt người có hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng như: tè bậy, xả rác, hút thuốc,.. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên cán bộ công tác trong Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) cho rằng, việc xử phạt tiền sẽ khó thành hiện thực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xử phạt đối với Việt Nam là rất cần tuy nhiên điều đó là khó thực hiện.
Ông Hùng phân tích: Người Việt Nam có thói quen vệ sinh công cộng khá bừa bãi. Điều đó có nhiều nguyên nhân. Thói quen này xuất phát từ một nhóm nhỏ người Việt Nam không chuẩn, đi vệ sinh chỗ nào cũng được. Giống như “văn hóa lúa nước”, người ta muốn làm ở đâu thì làm. Thói quen theo kiểu ở các vùng quê.
"Như vậy là không chuẩn" - Ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, phải thấy rằng, ở Việt Nam ít nhà vệ sinh công cộng. Nếu có nhà vệ sinh công cộng mà người ta vẫn đi linh tinh bên ngoài thì việc xử phạt là cách tốt nhất để răn đe.
Không chỉ ở Đà Nẵng, Hà Nội mà là toàn xã hội cần áp dụng. Đặc biệt ở những nơi mang tính chất đối ngoại càng cần thiết. Ông Hùng lấy ví dụ về những nơi có nhiều người nước ngoài như bãi tắm, công viên… Ở những nơi này, nếu không xử phạt, sẽ gây mất hình ảnh của Việt Nam.
Ông Hùng cho rằng, ở Hà Nội, việc truyền thông nhiều nhưng xử phạt cứng rắn chưa triệt để. Ví dụ việc xử phạt khi hút thuốc lá nơi công cộng, hay mô hình "Nhà hàng an toàn giao thông – lái xe văn minh, trách nhiệm" cũng chưa thực hiện được.
Theo cựu cán bộ này, trên các phương tiện truyền thông đại chúng giáo dục, nhắc nhở nhiều. Bước tiếp theo là cảnh cáo răn đe. "Chưa cần phạt tiền ngay để có lộ trình cho người dân thực hiện.” - Ông Hùng nói. Tất nhiên, theo ông Hùng, nếu răn đe không được, sẽ phải xử phạt.
Cũng theo ông Hùng, có nhiều hình thức răn đe người vi phạm, nhưng mạnh nhất vẫn là truyền thông đại chúng. Ông Hùng đề xuất, có thể phải áp dụng biện pháp nêu tên tuổi người vi phạm lên truyền thông đại chúng. Việc nêu tên tuổi, địa chỉ ở đâu hoặc nơi công tác… còn nặng hơn phạt tiền rất nhiều.
"Nếu những việc như thế bị đưa lên truyền thông đại chúng, bất ngờ người thân, bạn bè nhìn thấy hoặc nghe, người vi phạm sẽ tự cảm thấy xấu hổ" - Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi nếu những người vi phạm không chịu nộp phạt, cơ quan chức năng phải làm thế nào, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng và Công lý) cho hay sẽ phải có biện pháp cưỡng chế.
Theo LS Kiên, với mỗi chế tài, phải có những hình thức xử lý đi kèm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Cũng như trường hợp vi phạm giao thông, cơ quan hành pháp có thể tạm giữ CMND hay giấy tờ tùy thân để đảm bảo tính cưỡng chế.
LS Kiên cũng cho hay, việc xử phạt hành chính là nhiệm vụ của đội trật tự xã hội, các cơ quan chuyên ngành. "Thực tế từ lâu chúng ta đã có những quy định về việc giữ gìn vệ sinh chung, tuy nhiên việc thực thi là khá khó khăn." - Ông Kiên đánh giá.
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang trông đợi vào kết quả thực hiện thí điểm xử phạt hành chính của Đà Nẵng. Ông Động cho hay, nếu kết quả của Đà Nẵng thực hiện hiệu quả và đúng với quy định thì Hà Nội sẽ quyết tâm noi gương học hỏi về phương pháp, cách làm.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP. quy định: Mức xử phạt từ 100 đồng đến 300 đồng với những ai vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung: a) Không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung; b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung; c) Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư; d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; đ) Lấy, vận chuyển rác, chất thải bằng phương tiện giao thông thô sơ trong thành phố, thị xã để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh; e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư. |