Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép 6 tỉnh, gồm: Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị và Hà Nam được phép triển khai thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện (gọi tắt là xe điện 4 bánh) chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế như 35 địa phương khác đang được thí điểm. Thời gian thí điểm cho đến khi có quy định chính thức trong Luật Giao thông đường bộ đối với loại hình vận tải bằng phương tiện này.
Cũng theo Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có quy định về phương tiện này và hoạt động vận tải chở khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế của phương tiện này, vì vậy từ năm 2010 đến nay vẫn đang hoạt động theo hình thức thí điểm.
Địa phương đầu tiên được thí điểm là Hà Nội, trong giai đoạn 2010 – 2014 có 4 địa phương (Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình); đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm trên địa bàn 13 địa phương khác, đến năm 2018 tổng số có 35 địa phương được thí điểm.
Loại hình phương tiện, vận tải bằng xe điện 4 bánh chở người hoạt đông trong phạm vi hạn chế hiện được quản lý theo Thông tư số 86/2014 ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Qua đó, hướng dẫn áp dụng quy định tạm thời về tổ chức, quản lý đối với việc sử dụng xe 4 bánh chạy năng lượng điện trong hoạt động chở khách, bảo đảm ATGT và trật tự đô thị.
Đánh giá chung cho thấy, đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm, thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Trong công tác quản lý, hiện hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt, đã ban hành quy định của UBND cấp tỉnh đối với phạm vi hoạt động của loại phương tiện này và quản lý được số lượng đơn vị, phương tiện đã đăng ký tại đề án khi trình xin thí điểm.
Để ngăn ngừa hoạt động tự phát loại hình vận tải này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, không để phát sinh tự phát đối với phương tiện thí điểm dẫn đến không quản lý được và tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT trên địa bàn.
Hiện Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an để đồng thời hoàn thiện hai dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ, trong nội dung dự thảo của hai luật trên đều quy định đối với loại phương tiện trên để có cơ sở pháp lý tổ chức quản lý, thực hiện theo luật.