Mới đây, đã có đề xuất cần phải có “chứng chỉ tiền hôn nhân” mới được đăng ký kết hôn đang tạo được hiệu ứng từ dư luận. Đặc biệt là cộng đồng mạng đang bình luận về điều kiện này với nhiều ý kiến trái chiều.
Hôn nhân tan vỡ là rất dễ xảy ra, cho dù ở giới nào. |
Có nên đưa vào luật?
TS Nguyễn Xuân Thủy, học viện Cảnh sát Nhân dân nêu giải pháp trong một hội thảo mới đây cho rằng: Cần phải bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân mới được đăng ký kết hôn. Theo đó, những người này khi muốn kết hôn phải trải qua lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó, có cách học làm cha/mẹ, làm vợ/chồng, dạy con cái...
Dẫn chứng tại Úc, TS Thủy cho biết thêm, để kết hôn thì công dân phải hiểu được kết hôn có nghĩa là gì và tự do chấp nhận trở thành vợ/chồng của nhau. Hay như ở Pháp, những người muốn kết hôn phải có một lá thư viết tay, thể hiện mong muốn kết hôn và chỉ định danh tính của người là vợ/chồng tương lai. Lá thư này cũng có thể chỉ định các điều kiện về các vấn đề liên quan của vợ chồng trong tương lai, kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn.
Hay như đối với người công giáo trên khắp thế giới, trước khi kết hôn cũng phải trải qua một lớp học tiền hôn nhân, với thời gian thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng... Đối với đề xuất này của TS Thuỷ, một số ý kiến không đồng quan điểm, nếu coi đây là một điều kiện bắt buộc và đưa vào luật. “Bởi, con người là do giáo dục mà nên, đã hình thành nhân cách từ nhỏ cho đến khi trưởng thành và bước vào thời kỳ hôn nhân cũng là thừa hưởng từ quá trình đó. Do vậy, chỉ vài buổi học trong một thời gian ngắn thì không thể khỏa lấp được khoảng trống, nếu như đã thiếu các kiến thức, kỹ năng này.
Do đó, học cách làm chồng/vợ là cả một quá trình, không chỉ ngày một, ngày hai mà có thể để làm được, nên có chứng chỉ làm điều bắt buộc là điều không khả thi, chỉ được cái “giấy” mà thực chất là không có gì. Tuy nhiên, nếu có các lớp bổ sung kiến thức học về làm vợ/chồng, làm cha/mẹ, cách dạy con cái... là điều nên khuyến khích. Vì giới trẻ ngày nay đang quá thiếu kỹ năng và kiến thức thức để giữ gìn hạnh phúc gia đình”, bà Hoàng Thị Lan Anh, Giám đốc công ty tư vấn về sức khỏe gia đình Healthy chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Trần Văn Hồng, trường đại học Văn hoá TP.HCM chia sẻ: “Tôi cũng cho rằng, các khóa học dạy về cách làm chồng/vợ, làm cha/mẹ, các kiến thức về thai sản, chăm sóc sức khỏe gia đình... là nên có. Bởi, nó sẽ giảm thiểu được những những điều không cần thiết có thể xảy ra trong cuộc sông sau khi kết hôn, đặc biệt là vá được những lỗ hổng kiến thức cơ bản về cuộc sống gia đình. Lúc đó, các cặp vợ chồng sẽ bảo đảm được cuộc sống gia đình tốt hơn”.
Trong khi đó, một số ý kiến lại ủng hộ với việc có chứng chỉ tiền hôn nhân. “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên nếu được thì phải lồng ghép nó vào trong quá trình giáo dục con người ngay từ độ tuổi thích hợp, chứ không phải đợi lớn lên rồi mới trang bị. Thực tế cho thấy, tình trạng ly hôn ngày càng tăng có nguyên nhân do lối sống nhanh và nhạt. Nó cũng bắt nguồn từ sự thiếu dạy dỗ, quan tâm và chăm sóc của gia đình, nhà trường trong thời đại ngày nay.
Từ đó, dẫn tới hàng loạt hệ lụy khác đi kèm, như: Tình trạng xâm hại trẻ em, trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, trẻ vị thành niên phạm pháp... Tất cả những hệ lụy nên này thì ai là người chịu trách nhiệm, đầu tiên đó chính là vai trò, trách nhiệm của hạt nhân gia đình. Nếu gia đình giáo dục tốt thì chắc chắn sẽ không có hoặc có thì tỉ lệ rất thấp tình trạng trên xảy ra. Còn nếu những gia đình nào mà ly thân, ly dị thì tỉ lệ này lại càng tăng báo động”, nhà tâm lý, Ths. Nguyễn Khoa Sơn (TP.HCM) đánh giá.
Rất nhiều người trẻ đã rơi vào vòng lao lý do mẫu thuẫn từ gia đình. |
Tránh có giấy phép con
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) thì tỉ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn, trong đó, TP.HCM là một điển hình. Trong khi đó, theo các cơ quan chức năng thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội ở người vị thành niên gia tăng, nhưng phần lớn các vụ xảy ra ở những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Điển hình như: Bố mẹ ly hôn hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự quan tâm, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc, thường tụ tập thành băng nhóm...
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết: “Hiện TP.HCM đang có những bất ổn và diễn biến phức tạp trong các gia đình hiện đại. Biểu hiện cho sự phức tạp này là tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng, trẻ em thiếu thốn tình cảm gia đình, tình trạng vi phạm pháp luật cũng theo đó mà tăng lên... Đồng thời, sự gắn bó trong các thành viên gia đình và trách nhiệm của họ có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo”.
Đồng quan điểm, TS Trương Đình Thắng, đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ các cặp vợ chồng trẻ ngày nay, đặc biệt là những người xa quê làm ăn, lập nghiệp tại các đô thị lớn thường đối mặt với vô vàn thử thách, áp lực, đặc biệt là kinh tế. Nó ập tới tứ phía, khiến cho nhiều gia đình trẻ không thể chịu đựng nổi, trong khi đó, các dịch vụ, tiện ích, chế độ phúc lợi... lại không thể cân bằng được các sức ép đó.
Một nguyên nhân quan trọng nữa đó chính là các cặp vợ chồng trẻ này không được trang bị các kiến thức cơ bản về cuộc sống sau khi kết hôn: Làm vợ/chồng, làm cha/mẹ, nuôi dạy con cái... Cộng những yếu tố trên, tích tụ lâu ngày nên rất dễ đưa họ đến bờ vực của trầm cảm, stress, lo âu...
Tôi cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân cực kỳ lớn và quan trọng dẫn tới tình trạng ly hôn, ly thân. Trong khi đó, giới trẻ lại rất ít được trang bị về các kỹ năng, kiến thức về cuộc sống trong gia đình, dẫn tới sức chống chọi và chịu đựng trước các vấn đề của xã hội hiện đại kém đi. Từ đó hạt nhân là gia đình dễ đổ vỡ, kéo theo tình trạng trẻ không được quan tâm, giáo dục, chăm sóc... rơi vào con đường sa ngã, phạm tội”.
“Về kiến thức, kỹ năng sống khi bước vào thời kỳ hôn nhân thì nên lồng ghép các kiến thức này vào một độ tuổi nhất định để giáo dục ngay từ trên ghế nhà trường để các em có kiến thức tốt hơn và thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên xét ở góc độ rộng lớn hơn, đã là con người thì phải học ở mọi lứa tuổi. Lúc lúc nhỏ học theo kiểu khác, lớn lên học để trải nghiệm và ứng xử tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, không nhất thiết phải bắt buộc và đưa vào luật. Thay vào đó, nên để trên tinh thần khuyến khích, tự nguyện cho người đủ 18 tuổi tự do đăng ký. Bởi, nếu đưa vào luật thì lại phải có giấy phép con mới được kết hôn, khi đólại tạo ra nhiều hệ lụy khác, trong đó không ít người không muốn đi học, sẽ bỏ tiền ra mua. Như vậy lại tác dụng ngược, thêm rườm rà thủ tục, phiền nhiễu cho người dân”, bà Nguyễn Thị Ái Mỹ, nguyên cán bộ hội Phụ nữ TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo TS Hồng thì: “Nếu các lớp học tự nguyện này tổ chức ở các cấp độ khác nhau, thậm chí, ngay trong giảng đường cao đẳng, đại học hay các trung tâm đào tạo, dạy nghề tại địa phương thì sẽ tốt hơn. Đồng thời, phải có các hình thức truyền đạt hấp dẫn, sinh động, thông qua các loại phương tiện nghe, nhìn để người học tiếp cận được một cách nhanh và dễ hiểu dễ nghe thì sẽ có hiệu quả cao hơn”.
CHÍ THANH
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 10