Đề xuất thay đổi giờ làm đối với khối hành chính dịch vụ công và giáo dục công lập ở các đô thị của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Mới đây, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hành phúc gia đình.
Cụ thể, đại biểu Cảnh đưa ra giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ.
Thay đổi giờ làm có thực sự giảm ùn tắc giao thông? Ảnh: báo Lao Động |
Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, ông Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông. Nếu làm 8h30 thì không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi khi so sánh quãng thời gian xe buýt có thể phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30 so với khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30 như ngày nay.
Đề xuất của ông Nguyễn Văn Cảnh ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Chia sẻ với Báo Lao Động, bà Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, đề xuất thay đổi giờ làm việc của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Bà An dẫn chứng cách đây ít năm, TP Hà Nội cũng áp dụng việc đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông nhưng cuối cùng sự ùn tắc vẫn còn. Bà cho rằng, việc thay đổi giờ làm không phải vấn đề gốc của việc tắc đường.
"Thay đổi giờ làm của cơ quan công quyền ảnh hưởng đến người dân. Giờ nghỉ trưa phải phù hợp để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất lao động. Tôi được biết, nhiều cơ quan không có điều kiện tổ chức ăn tại chỗ, phải đi ăn ngoài rất xa, vì vậy nghỉ trưa 1 tiếng là không hợp lý" - bà An nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, chia sẻ với báo VnExpress, ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó An toàn Lao động cho rằng, Việt Nam đang chuyển dần sang nền hành chính phục vụ thì các cơ quan hành chính phải bố trí thời gian làm việc để đáp ứng nhu cầu của người dân, để người dân dễ tiếp cận dịch vụ với khung giờ ngày càng dài, chứ không nên rút ngắn lại.
Còn về những lợi ích mà đại biểu Quốc hội nói, theo ông Thơ, với giờ làm hiện nay (7h30), người lao động đã có thể đủ bố trí các nhu cầu sinh hoạt. Nếu chúng ta làm việc lúc 8h30 thì sẽ phải kết thúc giờ làm việc buổi sáng lúc 12h30, thời điểm này vào mùa hè sẽ rất khắc nghiệt, trời nắng nóng. Đây là thời điểm nên bắt đầu nghỉ ngơi hơn là đi ăn trưa hoặc tham gia giao thông.
"Phương án bố trí làm việc bắt đầu từ 8h30 sáng như ý kiến của đại biểu Cảnh có thể phù hợp cho một số đô thị khi thời tiết lạnh giá", ông Thơ nói.
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, ngoài ý kiến phản đối thì cũng có nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất thay đổi giờ làm lên 8h30 và thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ của đại biểu Cảnh là phù hợp.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng bộ môn Thành phố Hồ Chí Minh học, Khoa Xây Dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM nêu quan điểm: "Đề xuất phù hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh".
Bởi theo ông Nam, các thành phố lớn là nơi tập trung quy mô dân số đông, tính chất các ngành nghề đa dạng, phong phú. Trên thực tế, không phải bất cứ ngành nghề, công việc nào cũng cần bắt đầu ngày làm việc thật sớm mới đạt hiệu quả.
Các thành phố lớn cũng là nơi tập trung nhiều các công ty tư nhân, công ty nước ngoài. Ở các nước phát triển, nhất là các nước phương Tây, đa số người ta bắt đầu làm việc vào khoảng 9h sáng.
Do đó, việc thay đổi giờ làm việc tiệm cận với thế giới cũng là một bước đánh dấu sự hội nhập phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Quan Gia Bình, Phó Giám đốc Văn phòng B, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định ủng hộ đề xuất bắt đầu ngày làm việc muộn hơn.
Lý giải quan điểm, bà Bình cho biết, để đảm bảo đúng 7h30 giờ có mặt ở cơ quan, người lao động phải ra khỏi nhà trước đó cả giờ đồng hồ vì đường hay kẹt xe. Chưa kể còn phải dậy sớm hơn lo sắp xếp việc nhà, lo cho con cái đi học, không kịp ăn sáng.
Đánh giá về đề xuất đổi giờ làm của đại biểu Cảnh, trao đổi với báo Lao Động, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng việc đổi giờ làm sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho người dân. Vì thế nên các cơ quan chức năng cần "trưng cầu ý dân" để có đánh giá phù hợp và đầy đủ nhất rồi mới thực hiện.
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung cũng cho rằng phải có sự đồng bộ giữa các ngành nghề: "Quy định thời gian bắt đầu làm việc cũng nên linh hoạt theo từng vùng miền, tùy điều kiện thời tiết, tùy giai đoạn - không nhất thiết phải quy định "cứng" quanh nắm suốt tháng".
Nguyễn Hà(T/h)