+Aa-
    Zalo

    Hà Nội lại muốn đổi giờ học, giờ làm để “giải cứu” giao thông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017..

    HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có giải pháp tiếp tục rà soát, điều chỉnh giờ học, giờ làm và kinh doanh dịch vụ.

    Để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về nội dung này, PV báo ĐS&PL đã có  cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an).

    PV: Thưa ông, xung quanh việc thay đổi giờ học, giờ làm mà Hà Nội đang dự kiến thực hiện, ông đánh giá như thế nào?

    Đại tá Trần Sơn: Mọi thứ không phải bất biến nên cần thay đổi sao cho phù hợp với xu thế của xã hội. Mục tiêu của đề án này là chống ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông. Tôi được biết ở Hà Nội đã từng thực hiện một lần vào năm 2012.

    PV: Việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ ảnh hưởng đến giao thông như thế nào, thưa ông?

    Đại tá Trần Sơn: Việc thay đổi giờ học, giờ làm lúc đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng sau đó thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao. Giờ đi làm cùng một lúc như hiện nay thì quá sớm, nên lùi thời gian làm việc vào buổi sáng lại. Như vậy, mọi người sẽ có thời gian lo cho con cái nhiều hơn, đỡ vội vàng, sắp xếp được việc của gia đình. Như thế, các bậc phụ huynh đưa con đến trường cũng thuận tiện hơn.

    Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (cục Cảnh sát giao thông, bộ Công an).

    Cụ thể như hiện nay, mọi người đi làm lúc 8h sáng. Nếu có thay đổi vẫn phải đảm bảo làm việc đủ 8 tiếng theo quy định. Như vậy, buổi trưa sẽ nghỉ thời gian ngắn hơn. Mọi người không đổ ra đường cùng một lúc.

    Ở nước ngoài, công chức bắt đầu làm việc từ 9h sáng và để thực hiện điều đó, họ cũng phải có cả quá trình nghiên cứu về tâm sinh lý, nhu cầu phân chia thời gian chăm sóc gia đình. Tôi cũng nhấn mạnh, việc thay đổi cần phải nghiên cứu một cách tổng quát, tránh thực hiện theo cảm tính. Việc thay đổi giờ học, giờ làm giữa các cơ quan Trung ương với cơ quan của Hà Nội, các trường học, theo tôi là hợp lý.

    PV: Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ giúp vận tải hành khách công cộng tăng lên. Ông có nhận định như thế nào về điều này?

    Đại tá Trần Sơn: Sự thay đổi này sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng. Theo tôi, cần một thời gian hoạt động mới đánh giá được hiệu quả từ việc đổi lệch giờ này có ảnh hưởng đến hoạt động giao thông công cộng hay không.

    PV: Thưa ông, việc thực hiện thay đổi giờ làm việc, giờ học, cơ quan quản lý và người dân sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nào?

    Đại tá Trần Sơn: Việc đầu tiên là ảnh hưởng đến nếp làm việc của mọi người vì ban đầu còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về đường đi, phương tiện đi lại để đến cơ quan, trường học. Nếu lùi thời gian làm việc muộn hơn, người dân buổi sáng sẽ có thời gian lo cho gia đình. Theo tôi, để thực hiện hiệu quả thì việc lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi là cần thiết, “việc gì khó cứ hỏi dân”.

    Còn đối với ý kiến điều chỉnh giờ học, giờ làm giúp giảm ùn tắc nhưng khiến con và cha mẹ không có nhiều thời gian bên nhau, gia đình ít được quây quần thì điều này đã nằm trong sự tính toán của các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, khoảng 7h sáng, các trường vào giờ học nhưng đến 8h, 8h30 phụ huynh mới phải đến cơ quan thì họ sẽ có thời gian để đưa con đến trường, đi chợ. Cán bộ, công nhân, viên chức sẽ có thời gian để lựa chọn việc ăn uống buổi sáng trước khi vào làm. Điều này sẽ giúp giảm hiện tượng đến cơ quan bật máy tính để đó rồi kéo nhau đi ăn sáng.

    PV: Thay đổi giờ học, giờ làm cũng cần tính toán đến việc căn cứ theo mùa. Ông có đóng góp gì về phương án này, thưa ông!

    Đại tá Trần Sơn: Cần chú trọng đến sự thay đổi thời tiết của mùa đông và mùa hè. Mùa đông thì hơn 7h sáng trời vẫn còn tối; mùa hè, mùa thu, mùa xuân lại khác. Do vậy, tôi thấy một năm nên thay đổi 2 lần, mỗi mùa 6 tháng. Để có sự hài hòa nhất, tôi nghĩ rất cần sự đóng góp từ người dân.

    Cùng với việc lệch giờ làm, giờ học cũng cần có sự đồng bộ với các giải pháp khác. Một là, tăng cường vận tải hành khách công cộng, lịch trình hợp lý. Hai là, giờ cao điểm có thể cấm một số loại ô tô, việc này đã và đang thực hiện; tăng cường thêm sự điều tiết của lực lượng giao thông.

    Ông Lê Đỗ Mười, Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển GTVT:

    Vấn đề nhạy cảm phải nghiên cứu kỹ

    Đề án thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông mới được HĐND TP.Hà Nội thông qua phê duyệt và bắt đầu đề xuất nghiên cứu triển khai. Hiện nay, Hà Nội đang giao cho sở GTVT và các đơn vị nghiên cứu lập phương án cụ thể thì mới thực hiện được vì đây là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Trước đây, Hà Nội đã từng áp dụng việc thay đổi giờ làm, giờ học rồi và chưa thể nói đề án này bị thất bại được vì chưa có ai đánh giá được hiệu quả, hay không hiệu quả, nên vẫn cần phải rà soát nghiên cứu.

    Ông Vũ Văn Viện, GĐ Sở GTVT Hà Nội:

    Nhóm nhỏ người dân bị ảnh hưởng nhưng lợi ích lớn thì nên làm

    Theo Giám đốc sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, không phải bây giờ chúng ta mới đổi giờ làm, giờ học mà từ năm 2012 Hà Nội và TP.HCM cũng đã thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm... Lần này, chúng ta tiếp tục rà soát có thể gán giờ học, giờ làm cho từng nhóm đối tượng tốt hơn để giảm mật độ giao thông trong thực tiễn. Chúng ta đi sớm 15 phút đã khác và chậm 15 phút đã khác. Nói về việc phải chăng trước đây đã có thất bại khi thực hiện việc này, ông Viện cho rằng, lần trước không phải thất bại mà lần trước chúng ta đã phân được giờ làm việc cho các cơ quan Trung ương, các cơ quan ở Hà Nội, các nhóm đối tượng kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng này thời gian chưa dài. Hơn nữa việc thay đổi giờ học, giờ làm là việc liên quan đến toàn xã hội nên phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng vừa đảm bảo khoa học, thực tiễn và khả thi. Nội dung đề án lần này UBND TP. sẽ chỉ đạo chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khả thi hơn. “Khi có đề án, chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng để cùng thống nhất lựa chọn phương án tốt nhất. Mọi phương án này Hà Nội đều nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo số đông của người dân. Có thể nói, phương án dù có ảnh hưởng đến một bộ phận người dân nhưng mang lại lợi ích chung cho xã hội thì cần phải quyết tâm làm”, ông Viện cho biết thêm

    PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

    NGUYÊN MẠNH – THẾ ANH
    Bài đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-lai-muon-doi-gio-hoc-gio-lam-de-giai-cuu-giao-thong-a196155.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan