+Aa-
    Zalo

    Đề xuất đổi khung giờ làm: Cần có giải pháp đồng bộ hơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc thực hiện đổi giờ làm việc cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ, đảm bảo mặt khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi để có sự hài hòa, hiệu quả nhất.

    Việc thực hiện đổi giờ làm việc cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ, đảm bảo mặt khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi để có sự hài hòa, hiệu quả nhất.

    Mới đây, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng hiện thế giới đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý nên Chính phủ cần nghiên cứu giờ làm hiện nay đã tối ưu chưa? Hiện giờ làm việc trên cả nước từ 7h30 đến 17h, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 đến 2 tiếng.

    Đề xuất sẽ đổi giờ làm để chống ùn tắc giao thông. Ảnh: báo Giao thông

    Ông Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị.

    Theo đó, giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ. Riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.

    Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, ông Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông. Nếu làm 8h30 thì không cần phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.

    Bên cạnh đó, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi khi so sánh quãng thời gian xe buýt có thể phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30 so với khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30 như ngày nay.

    Thật ra việc điều chỉnh giờ làm việc để chống ùn tắc giao thông không mới, ở các nước trên thế giới cũng đã có nhiều thành phố áp dụng và cũng có nơi thành công. Tại TP HCM, năm 2003 và năm 2009 cũng đã có 2 lần việc điều chỉnh giờ làm được đem ra bàn và đã làm thí điểm trước khi giải pháp này được cất vào… ngăn kéo.

    Cách đây 5 năm, Hà Nội cũng có đề xuất này nhưng không hiệu quả, làm xáo trộn việc đi lại của người dân. Năm 2012, 10 quận ở Thủ đô, hai huyện Từ Liêm (nay được chia tách thành hai Quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Thanh Trì đã tiến hành thay đổi thí điểm để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể: Các trường học bắt đầu từ 7h sáng, trường mầm non từ 8h, các cơ quan công sở làm việc từ 8h, còn trung tâm thương mại dịch vụ mở cửa từ 9h.

    Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cho hay, từ các thất bại trước, cần phải rà soát một cách chính xác và hợp lý giờ làm việc với giờ học, giờ nghỉ ngơi cho từng nhóm đối tượng để giảm mật độ giao thông. Chỉ cần đi sớm 15 phút và muộn 15 phút là mật độ giao thông đã khác hẳn nhau.

    Nhiều nhà quản lý giao thông đã phân tích sự thất bại của lần đầu thực hiện đổi giờ làm việc (2012) là: Đối tượng mà giải pháp thay đổi giờ làm chỉ chiếm 20-30% lượng người tham gia giao thông trong giờ cao điểm ở Hà Nội và trên thực tế, còn rất nhiều các biện pháp có thể thực hiện được, cho kết quả tương tự.

    Ví dụ: Hạn chế xe ôtô đi vào thành phố có thể tạo ra hiệu quả gấp 2 lần thay đổi giờ học, giờ làm nhưng chỉ tác động tới hoạt động của khoảng 20 nghìn người, cấm đỗ xe trên đường phố có thể làm ảnh hưởng tới khoảng 15 nghìn người…Tại sao chúng ta không thực hiện những giải pháp đó trước mà thực hiện những giải pháp ảnh hưởng đến hàng triệu người?

    Thêm vào đó, văn hóa giao thông kém của số đông người Việt bây giờ thì chẳng có giờ nào để không ùn tắc cả. Vì thế, trong tương lai gần, người dân kỳ vọng vào những dự án đường sắt đô thị dự án Buýt nhanh sẽ tạo nên hệ thống giao thông công cộng đồng bộ phục vụ tốt nhu cầu đi lại của đa số người dân. Từ đó tạo được văn hóa đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.

    Kết hợp với quy hoạch lại đô thị ra ngoại ô, tức là không nên đầu tư nhiều vào “vùng lõi” lúc này, mà nên tập trung đầu tư đồng bộ ra vùng ven, vùng vệ tinh để kéo giãn dân, chuyển dần cơ quan, trường học ra ngoại thành thì mới mong giảm ùn tắc.

    Như vậy, việc ùn tắc giao thông trách nhiệm không chỉ phụ thuộc vào ngành giao thông, mà nó thuộc về vĩ mô do đặc thù địa hình, phân bố dân cư, phát triển kinh tế, xã hội, và ý thức, văn hóa giao thông của người dân.

    Cũng theo ông Viện, việc thay đổi khung giờ làm liên quan và ảnh hưởng đến toàn xã hội, vì thế cần lên kế hoạch và có giải pháp đồng bộ, phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo mặt khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi. Trên cơ sở đó sẽ phân ra thành các đối tượng sinh hoạt ở các giờ khác nhau, từ đó sẽ có các nhóm giờ làm, giờ học khác nhau, nhằm giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm.

    Khi có đề án sẽ lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng bị tác động để lựa chọn được phương án tốt nhất, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến sinh hoạt của số đông người dân.

    Hiện tượng ùn tắc giao thông thủ đô đã trở thành một vấn nạn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, về thời gian của toàn xã hội, gây bức xúc lớn trong dư luận. Tuy nhiên có thay đổi thì mới có phát triển. Nếu thay đổi đem lại lợi ích lớn hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì TP đã và sẽ phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có việc ưu tiên cho cái lớn hơn.

    Nguyễn Hà (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-doi-khung-gio-lam-can-co-giai-phap-dong-bo-hon-a207495.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan