(ĐSPL) - Liên quan đến việc liên tục phát hiện máy bay ở sân bay bị chiếu tia laser, có nguy cơ uy hiếp an toàn bay, Cục hàng không đề nghị xử lý hình sự người có hành vi chiếu laser.
Tin tức trên báo Dân trí, báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thống kê 6 vụ chiếu tia laser vào máy bay.
Cụ thể, từ ngày 28/5 đến 14/6 xảy ra 5 vụ, trong đó có 1 vụ ở Tân Sơn Nhất, 4 vụ ở Nội Bài; ngày 15/2 xảy ra 1 vụ ở sân bay Pleiku (Gia Lai). Hành vi này gây uy hiếp đến an toàn của chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, hành vi chiếu tia laser vào máy bay có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn hạ cánh, vì vậy cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên trong quy định của Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn chưa liệt kê hành vi “sử dụng tia laser gây mất an toàn hàng không dân dụng” để xử lý hình sự.
Tổ bay bị chiếu đèn laser có thể gây uy hiếp an toàn bay. Ảnh: VnExpress. |
Báo VnExpress đưa tin, Cục đã kiến nghị cơ quan thẩm quyền bổ sung hành vi chiếu đèn laser tàu bay vào thông tư liên tịch hướng dẫn Bộ luật hình sự, xem đây là hành vi cản trở giao thông đường không.
Với kiến nghị này, người chiếu tia laser vào máy bay gây chết người hoặc tổn thương sức khỏe phi công có thể bị phạt tiền 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Cục hàng không xác định vụ chiếu đèn laser vào máy bay xảy ra gần đây nhất là vào tối 14/6. Tổ bay VJ174 của VietJet (chặng TP HCM - Hà Nội) bị đèn chiếu vào khi đang chuẩn bị hạ cánh.
Sau sự việc này, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu các Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và các tỉnh, thành Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa... triển khai biện pháp nghiệp vụ, phối hợp đơn vị hàng không phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn việc chiếu đèn laser lên máy bay.
Dẫn chiếu tài liệu của Cục Hàng không liên bang Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, tia laser có thể gây ra hậu quả nguy hiểm với phi công như mất tập trung, chói lóa, mù lòa và giảm thị lực vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc điều khiển máy bay. Trường hợp bị chiếu laser vào buồng lái, cơ quan không lưu phải áp dụng quy trình xử lý như trong tình trạng khẩn nguy trên không, cho đến khi tổ lái báo chấm dứt tình trạng khẩn nguy. |
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]INBAvH7agS[/mecloud]