Trong trường hợp để chó nuôi cắn người, chủ sở hữu là người nuôi chó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Chó là loại động vật rất thông minh, trung thành và đặc biệt biết giữ nhà nên được nhiều nhà chọn nuôi. Ngoài ra, chính vì đặc thù biết giữ nhà nên nhiều trường hợp, chó sẽ bất ngờ tấn công người lạ, cắn bị thương, thậm chí dẫn đến chết người.
Khi đó, người bị chó cắn có được bồi thường hay không? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm? đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Thường xuyên xích chó, không được thả rông
Theo luật gia Đồng Xuân Thuận, tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa), cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND phường, xã, thị trấn cấp sổ quản lý chó.
Cá nhân nuôi chó phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với loài chó dữ) và có người dắt. Không để chó đi lang thang ngoài đường phố làm mất vệ sinh nơi công cộng. Chủ nuôi còn phải thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.
Chó chạy rông cắn người bị thương, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm
Liên quan đến những quy định xử phạt hành vi thả rông chó nơi công cộng, Luật gia Đồng Xuân Thuận dẫn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Hình minh họa |
Đặc biệt, trường hợp chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc-xin dại cho chó thì sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 2 của Nghị định 41/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, kể từ ngày 15/9 sắp tới, sẽ áp dụng điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP để xử phạt các trường hợp: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Cũng kể từ ngày 15/9, theo điểm a khoản 1 Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng đã giảm xuống. Theo đó, chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm nói trên.
Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng.
Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chuyên viên pháp lý Châu Việt Vương – Công ty luật hợp danh FDVN dẫn quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, theo quy định được viện dẫn nêu trên, chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Tuy nhiên, đối với trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người khác do người thứ ba có lỗi hoặc súc vật bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật không có trách nhiệm bồi thường.
Theo chuyên viên pháp lý Châu Việt Vương, việc không quản lý chó nuôi cẩn thận, khiến chó tấn công người lạ, cắn bị thương người đã xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
“Như vậy, chủ sở hữu súc vật cần hết sức lưu ý trong việc chăm sóc, trông nom và quản lý chó để tránh trường hợp gây những hậu quả, thiệt hại không đáng có. Ngoài có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm về sức khỏe nêu trên, chủ sở hữu súc vật còn có thể bị xử phạt tiền theo quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 5 Nghị định Số: 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định việc thả rông chó trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng là hành vi vi phạm quy định về trật sự công cộng” - chuyên viên pháp lý Châu Việt Vương cho biết thêm.
Nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu có thể chịu trách nhiệm hình sự
Theo luật gia Đồng Xuân Thuận, ngoài ra, nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể được chia thành 3 trường hợp như sau:
Trường hợp đầu tiên, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả chết người xảy và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra thì người này có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người”.
Trường hợp thứ hai, người chủ sở hữu chó nuôi nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả gây thương tích cho người bị cắn xảy ra; dù không mong muốn hậu quả chết người nhưng thực tế gây hậu quả chết người đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích”.
Trường hợp thứ ba, người chủ sở hữu không mong muốn có hậu quả xảy ra nhưng do cẩu thả trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người”.
Tiểu Phương (ghi)