(ĐSPL) - Là một trong đại biểu trúng cử ĐBQH khóa XIV bằng tự ứng cử, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện Huyết học Truyền máu TƯ đã dành cho PV báo ĐS&PL những chia sẻ, quan điểm rất đặc biệt của cá nhân ông về nghị trường, về nghề thầy thuốc.
Tôi muốn tham gia Quốc hội để cống hiến nhiều hơn nữa
Ông là một trong đại biểu trúng cử ĐBQH của khóa này bằng tự ứng cử. Ông có thể chia sẻ bí quyết để có được sự ủng hộ của cử tri?
Thực ra tôi không có bí quyết và có kinh nghiệm gì cả. Có lẽ do mọi điều cũng khá rõ, khi cử tri nghiên cứu lý lịch trích ngang của tôi thôi.
Đó là, tôi được đào tạo quy củ, bài bản ở các trường đại học lớn, có uy tín của VN như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Luật, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh; rồi được đào tạo ở Nhật Bản và được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới.
ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VPQH. |
Tôi xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng; lớn lên học tập trong thời gian chiến tranh ác liệt, chống Mỹ cứu nước - đó là khoảng thời gian đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm xương máu. Đặc biệt, tôi là Viện trưởng viện Huyết học Truyền máu Trung ương (HHTMTƯ) và đã từng là giám đốc của 4 dự án, 1 chương trình quốc gia nên tôi có được nhiều kinh nghiệm quý báu làm việc tập thể với các đồng nghiệp trong nước và với các chuyên gia nước ngoài.
Đặc biệt là những cống hiến, đóng góp của tôi trong cương vị quản lý, nhất là trong các sự kiện hiến máu nhân đạo, cứu sống bệnh nhân và cả trong những thành tựu khoa học được xã hội ghi nhận. Bởi vậy tôi đã nhận được những danh hiệu lớn của Đảng, Nhà nước (như: Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân, AHLĐ, Công dân Thủ đô ưu tú...).
Tôi muốn tham gia Quốc hội để được cống hiến nhiều hơn nữa cho nhân dân, cho đất nước. Tôi không hề có ý vụ lợi, làm đẹp hình ảnh của mình khi muốn là ĐBQH. Tôi nghĩ đó chính là lợi thế khi tôi tham gia tự ứng cử và đã nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri như vậy.
Như GS chia sẻ, ông muốn tham gia QH để được cống hiến. Vậy theo ông, ở vai trò ĐBQH, ông thấy sự cống hiến này khác gì so với ở vai trò nhà khoa học, bác sĩ, nhà quản lý?
Một nhà khoa học, đóng góp của họ là các công trình khoa học, nghiên cứu và lan tỏa các thành quả đó giúp nhân dân. Ở vai trò nhà quản lý, đó là đóng góp sức lực tổ chức bệnh viện hoạt động tốt hơn, tổ chức các chương trình hiến máu có sức lan tỏa hơn, khám chữa bệnh tốt hơn. Tất cả các công việc đó làm tốt đều vinh quang nhưng ở tầm cấp nó khác. Đó là trong phạm vi một cơ quan, một chuyên ngành truyền máu còn mình không thể đóng góp ở các vấn đề khác hữu hiệu được nếu không là ĐBQH.
Là ĐBQH, tôi có thể đóng góp ý kiến, kiến nghị ở nhiều lĩnh vực khác như: Ô nhiễm môi trường; quy hoạch xã hội, ngân sách trung hạn... và tầm cấp của nó lớn hơn, rộng hơn! Có tiếng nói nào chính thức bằng tiếng nói trong hội trường Diên Hồng, tiếng nói đó được lan tỏa, chuyển đến đích xác Bộ, ngành chịu trách nhiệm.
Sẵn sàng chất vấn kể cả Bộ trưởng Bộ Y tế
Là một ĐBQH mới lần đầu tham dự Quốc hội nhưng ở các phiên chất vấn dường như ông không ngại “đụng chạm”. Ông đã làm gì để có thể nhanh chóng thích ứng với công việc của một ĐB như vậy?
Muốn thích ứng nhanh, tôi nghĩ trước hết mình phải đừng sợ. Nếu ngại nói vì sợ đụng chạm người nọ, người kia, đụng chạm Bộ trưởng... thì làm sao có thể dám chất vấn được. Tôi không sợ vì tôi thực tâm muốn đóng góp. Hơn nữa, các vị Bộ trưởng, các vị lãnh đạo trưởng ngành, họ ở vị trí đó, họ có bản lĩnh, thừa khả năng phân định đúng, sai. Một khi, tấm lòng mình trong sáng, mình thực tâm đóng góp vì dân, vì nước, tôi tin không ai có thể ghét bỏ được.
Thứ hai, phải hiểu vấn đề. Trên hội trường Quốc hội, phát biểu phải rõ ràng, trọng tâm chứ lan man mất thời gian của tất cả. Tôi ý thức được điều đó...
Cuối cùng, tôi có lợi thế là tham gia giảng dạy nên có kinh nghiệm thuyết trình và kỹ năng quản lý thời gian, nên tôi nhập cuộc có vẻ nhanh hơn thôi!
Giờ đã là ĐBQH, vậy ở kỳ họp tới, nếu Bộ trưởng bộ Y tế đăng đàn, ông có sẵn sàng chất vấn, hỏi thẳng các vấn đề tiêu cực của ngành y?
Tôi cho rằng, đó là điều bình thường. Tôi rất quý trọng Bộ trưởng bộ Y tế. Chúng tôi học cùng khóa với nhau, quý mến, nể trọng nhau từ thời sinh viên. Điều nữa, tôi có chất vấn cũng xuất phát từ tâm, từ tấm lòng mong muốn ngành mình tốt lên. Có vấn đề chúng tôi cùng quan điểm nhưng có vấn đề chúng tôi chưa thống nhất quan điểm với nhau. Đó là điều bình thường.
Tôi ví dụ, vấn đề thông tuyến BHYT chẳng hạn. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp. Quan điểm của Bộ trưởng là thông tuyến từ từ. Đầu tiên là ở tuyến huyện sau đó mới lên các tuyến khác nhằm mục đích tránh quá tải phía trên. Nhưng, quan điểm của tôi lại khác. BHYT phải được thông tuyến càng sớm càng tốt vì đó mới là bản chất của BHYT. Cử tri đã gửi tôi ý kiến tại sao cùng mua BHYT, mà họ chỉ được giới hạn khám tuyến dưới? Tại sao không cho họ tìm thầy, thuốc tốt nhất? Ở vấn đề này, quan điểm chúng tôi khác nhau. Tôi tin nếu cho thông tuyến việc quá tải chỉ xảy ra lâu tầm 2 năm, còn nhanh thì chỉ là 6 tháng. Vì các bệnh viện chưa đủ năng lực, bệnh viện chưa giỏi, họ sẽ tìm thầy giỏi, tìm cơ chế để nâng trình độ lên. Lập tức, người bệnh sẽ tín nhiệm chứ không thể dùng áp lực mà bắt họ được.
Quay trở lại câu hỏi, tôi thấy không phải quá nặng nề việc đó, quan trọng là tấm lòng chân thành thực sự muốn đóng góp, xây dựng ngành y tốt lên. Tôi tin Bộ trưởng Y tế cũng chân thành đón nhận các đóng góp.
ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí thăm khám bệnh nhân tại Viện. Ảnh: Vương Tuấn. |
Bệnh nhân là người tạo ra giá trị, nuôi sống chúng tôi
Được biết, vừa qua, viện HHTMTƯ là viện dẫn đầu khu vực phía Bắc với 92,7 điểm trong công tác đổi mới phong cách phục vụ vì sự hài lòng của bệnh nhân. Đặc biệt, với đa số các bệnh viện hiện nay, đây là vấn đề người dân đang khá bức xúc. Vậy đâu là vấn đề then chốt để Viện đạt được điều này?
Thực sự đây là số điểm cao, cao hơn cả điều tôi mong đợi! Có nhiều lý do để chúng tôi nhận được sự hài lòng từ bệnh nhân đó là:
Đầu tiên là giáo dục cho nhân viên ngành y tế hiểu được sâu sắc, bệnh nhân là người đưa lại cho chúng ta tất cả giá trị vật chất, tinh thần cho Viện, cho tập thể cán bộ nhân viên, cho mỗi cá nhân. Một điều nữa, tôi học được từ Nhật một điều là “bệnh nhân nuôi sống chúng ta”. Và, tôi nhấn mạnh với nhân viên, cán bộ ở Viện điều này. Tiếp đó là tính làm gương của người đứng đầu từ cấp Trưởng khoa trở lên đều phải tự nhận thức được điều này. Đặc biệt là ở Viện chúng tôi tổ chức được các chương trình riêng có. Ngoài các phong trào chung của ngành y tế, chúng tôi còn có các phong trào riêng như: Mỗi tháng rèn một việc, nói lời cảm ơn thân thiện với người hiến máu... Lúc đầu, tôi đưa ra việc này cũng gặp sự phản ứng dữ lắm nhưng bản thân những người đứng đầu làm gương, nhân viên hiểu được ý nghĩa của vấn đề và tạo thành thói quen, lẽ sống với mỗi nhân viên.
Điều cuối cùng là sự đoàn kết, nhất trí, ủng hộ của cán bộ, nhân viên vì một tập thể thành công, vì người bệnh, vì chính chúng tôi đã giúp viện HHTMTƯ có được sự tín nhiệm của người bệnh và sự ghi nhận của xã hội.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
ĐỖ THƠM