+Aa-
    Zalo

    Đánh thức tiềm năng du lịch Tủa Chùa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Huyện ủy Tủa Chùa ban hành Nghị quyết số 32 về phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030.

    Huyện ủy Tủa Chùa ban hành Nghị quyết số 32 về phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây thực sự là kim chỉ nam để cấp ủy, chính quyền sở tại tập trung phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh, sạch. Đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất hoang sơ này.

    Vẻ đẹp nguyên sơ

    Đi qua cung đường du lịch tây Bắc, đến tỉnh Điện Biên thăm thú các di tích lịch sử, văn hóa. Nếu bạn bỏ quên vùng đất Tủa Chùa thì thật là thiếu sót lớn. Đây là một huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, tiếp giáp với con đèo Pha Đin huyền thoại núi đá cheo leo, rừng xanh ẩn chứa nhiều điều huyền bí. Tủa Chùa được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa như: Văn hóa đặc trưng tiêu biểu, văn hóa ẩm thực của một số dân tộc vùng Tây Bắc. Chợ phiên truyền thống tại các xã Tả Sìn Thàng, Xá Nhè, Huổi Só. Các lễ hội dân gian cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, hệ thống hang động đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia (hang Xá Nhè, hang Khó Chua La, hang Pê Răng Ky). Ngoài ra còn có vùng lòng hồ Thủy điện sông Đà, di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng, rừng chè tuyết shan cổ thụ, rừng thông cổ thụ...

    Bản làng còn nguyên sơ. Ảnh: TTXVN 

    Theo khảo sát của sở Văn hóa thể thao và du lịch, thành Lồng Vàng được xây dựng cách đây 3 thế kỷ, là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Đây là một di sản văn hóa cổ của người Mông. Nơi mà đồng bào dân tộc với những phong tục tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu như trọc lỗ tra hạt. Theo tiếng Mông “Vàng” có nghĩa là vườn, chúa, vua, “Lồng” có nghĩa là vòng tròn, thành Vàng Lồng được dựng bởi vòng tròn đá, xếp thủ công và không dùng chất kết dính, các phiến đá xếp theo trình tự khoa học cao khoảng 2m, rộng trên 1m. Cho đến nay thành vẫn ẩn chứa nhiều câu chuyện hấp dẫn ly kỳ.

    Sự mời gọi của Đá

    Đến vùng đất này, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận ngay một tiểu cao nguyên đá Đồng Văn thu nhỏ. Đây có bãi đá cổ dài tới 4km với những phiến đá tai mèo mọc từ thung lũng lên tới đỉnh đồi. Đó là bãi đá Tả Phìn nằm trên độ cao 1.500m. Với nhiều hình thù đá tai mèo “xếp lũy, xếp thành” gắn với những cái tên hấp dẫn như núi đá Tò Cu Nhe, núi đá Chung Si Seng, Chung Khóa...

    Những con đường quanh co bên đá đặc trưng của Tủa Chùa.

    Không những vậy, sản vật địa phương vô cùng độc đáo và hấp dẫn, nếu có thời gian bạn hãy đến với chợ phiên Tả Sìn Thàng. Chợ họp vào ngày Tý và Ngọ theo lịch âm. Cứ cách 6 ngày họp một phiên. Theo lời một người dân kể, chợ hình thành từ thời Pháp thuộc, là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa nông sản của đồng bào các dân tộc 5 xã phía bắc huyện Tủa Chùa. Hàng hóa tại chợ phiên phần lớn là nông sản, thực phẩm sạch địa phương, hàng thổ cẩm truyền thống... Chợ phiên tại đây khác hẳn với chợ dưới xuôi. Bởi chợ không chỉ là nơi mua bán, tụ họp mà là ngày hội đối với người dân địa phương. Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của bà con dân tộc vùng cao nơi này. Và cũng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

    Người ta ví Tủa Chùa như nàng tiên ngủ quên trong rừng không sai. Từ quốc lộ 6 theo đường 129 vào đến trung tâm huyện chỉ gần 40 cây số, cung đường đó sẽ chính là sự kỳ vĩ của tất cả các cung đường Tây Bắc. Còn một điều nữa bạn cũng sẽ cảm nhận như tôi về sự hiền hòa, mến khách của vùng đất này.

    Trong mục tiêu của mình, Huyện Tủa Chùa xác định du lịch theo hướng bền vững, nhằm hiện thực hóa nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa. Phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và từng bước phát triển du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, du lịch tâm linh... Dần dần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện.

    Từ mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu đưa Tủa Chùa trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của Điện Biên và vùng Tây Bắc, thu hút trên 20 nghìn lượt khách, trong đó có 5% là khách quốc tế. Phấn đấu đến 2030 trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh, có thể đón tới 40 ngàn lượt khách. Thông qua phát triển du lịch có thể tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động địa phương. Xây được những thôn bản văn hóa du lịch và những sản phẩm du lịch tiêu biểu.

    Hiên Vân

    Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-tua-chua-a308357.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan