Nói đến Thái Thanh, người ta nhớ đến nữ ca sĩ có “giọng hát vượt thời gian”, “tiếng hát lên trời”. Người phụ nữ ấy được coi là một huyền thoại, là diva đầu tiên của làng nhạc Việt. Có thời, cái tên Thái Thanh trở thành thước đo trí tuệ người khác của người miền Nam. Giờ đây, khi tiếng hát của Thái Thanh chỉ còn vang lên qua những băng cassette, những bản thu âm nhuốm màu hoài cổ thì người nghe vẫn thường gõ nhịp, gật đầu mà thán: "Trăm năm trước, trăm năm sau liệu có còn ai?"...
Chưa thuộc nốt nhạc đã ngân thành tiếng hát
Thái Thanh tên khai sinh là Phạm Thị Băng Thanh, chào đời năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Thân phụ của Thái Thanh chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay nổi tiếng ở đất Bắc. Vì vậy mà, ngay từ trong bụng mẹ Thái Thanh đã được chìm đắm cùng những giai điệu, thế nên niềm đam mê nghệ thuật đã nằm sẵn trong huyết quản của bà.
Thái Thanh bước vào sự nghiệp ca hát ở tuổi 13 cùng với các anh chị em khác. Trong những ngày bom đạn, cô bé "chưa thôi kẹp tóc" đã rong ruổi theo chân quân đoàn cảm tử Trung đoàn 9, chợ Sim, khu III, khu IV để vút cao giọng hát kêu gọi tình yêu quê hương, đất nước.
Ngày đầu tiên đứng trên sân khấu cô bé Thái Thanh vô cùng sợ hãi. Nhìn những ánh mắt kỳ vọng của khán giả bên dưới, cô bé sợ mình sẽ không thể làm cho họ hài lòng. Nhưng, ngay khi cất giọng hát, mọi lo lắng đều tan biến. Giọng hát tuyệt vời, nụ cười hồn nhiên và sự đáng yêu của cô bé đã lan tỏa đến khán giả và không khí vui tươi ngập tràn không gian. Lần đầu tiên ấy trở thành kỷ niệm đáng nhớ với Thái Thanh và đến giờ này khi đã ở cái tuổi hơn 80, Thái Thanh vẫn nhớ như in niềm hạnh phúc lúc ấy.
Ở cái tuổi còn thơ, nốt nhạc còn chưa vào đầu nhưng Thái Thanh đã ngân nga thành tiếng hát. Khi ấy bà hát theo bản năng, không nặng về kỹ thuật nhưng đây cũng chính là điều làm nên sự đặc biệt của giọng hát Thái Thanh. Giọng hát cao vút, trong veo của Thái Thanh đã dễ dàng chạm vào sâu thẳm tâm hồn của người nghe. Qua giọng hát của bà ca từ, giai điệu cứ vấn vít vào tâm hồn khiến khán giả nghe một lần là thấy thương, thấy nhớ người ca sĩ.
Nghệ thuật phát âm đẹp đến mê hồn
Năm 1951, bà theo chị ruột là Thái Hằng – (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) vào Sài Gòn lập nghiệp và tiếp tục ca hát. Tiếng hát của bà thống trị phần lớn các chương trình phát thanh, truyền hình và phòng trà ở Sài Gòn suốt hơn hai thập niên. Điều làm nên thành công đỉnh cao của Thái Thanh chính là giọng hát tuyệt vời của bà.
Với khán giả miền Nam, Thái Thanh được coi là giọng hát “vượt thời gian”, “giọng hát lên trời”. Vì giọng hát có một không hai ấy mà Thái Thanh đã từng bị dư luận vẽ ra đủ thứ giai thoại về bí quyết học nhạc. Trong đó, lạ nhất là thông tin, Thái Thanh hát hay như thế là do chui đầu vào chum để tập phát âm!
Thực tế, Thái Thanh không theo học bất cứ trường lớp nào về nhạc lý. Tất cả, những điều bà biết nhạc cũng như là xướng âm là do tự học. Bà mua sách từ Pháp về để tự học, cái gì không hiểu thì hỏi anh trai nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Điều làm nên sự khác biệt trong giọng hát của Thái Thanh chính là sự ảnh hưởng từ các ngón nghề nhạc cụ dân tộc của cha và mẹ. Giai điệu của đàn nguyệt, đàn tranh và đàn tỳ bà khiến cô bé Thái Thanh luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo. Tiếng hát của bà vì lẽ ấy mà vừa có sự tinh tế trong cách luyến láy của các làn điệu dân tộc vừa có sắc thái biểu cảm của dòng nhạc bác học phương Tây.
Nghệ thuật phát âm khiến mỗi chữ do Thái Thanh hát đều đẹp đến mê hồn. Người nghe có cảm tưởng như mỗi âm mà nữ danh ca phát ra là sản phẩm của một quá trình chuyển động của toàn bộ khoang miệng. Chính vì vậy mà thanh âm cất lên nghe mãnh liệt, chuẩn xác và vô cùng tròn trịa.
Nói về giọng hát của Thái Thanh, nhà văn Thụy Khuê đã viết: “Tiếng hát của Thái Thanh xanh thắm màu trời; long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du; lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu; tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”.
Có một thời, người miền Nam còn đánh giá trí tuệ người khác bằng "đơn vị Thái Thanh". Đại loại như: Những người nghiện nặng, am tường về Thái Thanh sẽ được xếp vào nhóm trí thức bác học. Người yêu thích và cảm thụ được giọng hát của bà được đánh giá là dân trí thức. Những người thích thì nghe không cũng chẳng sao sẽ thuộc hàng tầm tầm bậc trung. Với những người “nghe không vô” sẽ phải đón nhận cái lắc đầu ngán ngẩm.
Thế mới thấy, Thái Thanh đã chiếm vị trí quan trọng thế nào trong làng nhạc thời ấy. Vì những lẽ đó mà đến ngày nay dù Thái Thanh đã không còn hát, đã rời xa sân khấu, bà vẫn được người ta nhắc đến cùng sự ngưỡng mộ, tiếng hát của bà vẫn được đón nhận những mỹ từ.
Cùng con chiến đấu với bệnh tật
Năm 1956, Thái Thanh lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh. Họ có 5 người con trong cuộc hôn nhân kéo dài 9 năm. Đó là Ý Lan, Lê Việt, Quỳnh Dao, Thanh Loan và Lê Đại. Khi ở bên cạnh những đứa con, Thái Thanh không phải là đệ nhất danh ca Sài thành nữa mà là một người mẹ hết mình vì con. Cuộc hôn nhân của Thái Thanh và Lê Quỳnh khá ngắn ngủi nên bà đã một mình đồng hành cùng con gần như suốt chặng đường đời.
Với các con, Thái Thanh vừa là cha vừa là mẹ. Bà cùng con đồng hành trên đường đời khó khăn, bước qua nỗi đau bệnh tật và vỡ òa hạnh phúc khi cùng con đón nhận niềm vui. Thái Thanh luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho cậu con trai út Lê Đại kém may mắn. Vì con bị liệt, nên bà coi mình là đôi chân của con. Khi sang Mỹ, Thái Thanh tự học lái xe để hàng ngày đưa con trai đi học trong suốt nhiều năm. Sự tận tụy của mẹ chính là điều giúp Lê Đại vượt qua sự tự ti về bệnh tật để yêu đời, yêu người và sống vui.
Ngay cả đến bây giờ, khi Lê Đại đã là người trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân nhưng Thái Thanh vẫn mỗi tuần đều đến thăm nom con trai, mang thêm các món ăn Việt Nam nấu sẵn cho cậu út. Không chỉ Lê Đại, Thái Thanh còn chịu nhiều vất vả với con gái Thanh Loan.
Khi ấy cô bé Thanh Loan mắc bệnh trầm cảm và nữ danh ca đã phải đồng hành cùng con gái trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật. Để lấy lại niềm vui cho con gái, bà đã cùng con tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, thiện nguyện. Thế nhưng, bệnh tình của Thanh Loan ngày một nặng, bà buộc phải nghe lời bác sĩ cho con nhập viện. Những ngày cô bé nhập viện, bà một mình chăm sóc con gái nhỏ, ngày ngày giúp con chiến đấu với căn bệnh tâm lý nguy hiểm để tìm lại niềm vui sống.
Ở xứ người ngày ấy, nữ danh ca nức tiếng một mình chiến đấu với nghịch cảnh. Chuỗi ngày khó khăn đó đã tôi luyện Thái Thanh trở thành một người phụ nữ phi thường và đó cũng là lý do, các con luôn dành cho bà sự kính yêu. Nói về mẹ, danh ca Ý Lan tâm sự, Thái Thanh là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ luôn là sự âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con.
Đến nay, Thái Thanh đã hơn 80 tuổi và không còn đi hát nữa. Nhưng, không vì thế mà nữ danh ca biến mất khỏi đời sống nghệ thuật, cái tên Thái Thanh vẫn hiện hữu trong trái tim của những người yêu nhạc, từ lâu đã trở thành một tượng đài, diva đầu tiên của làng nhạc Việt.
Lê Anh
Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 42