Tại kKhoản 1, Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Bộ luật Lao động không đề cập đến lương tháng 13. Thực tế, lương tháng 13 được hiểu là khoản tiền người sử dụng lao động sẽ trả thêm cho người lao động vào dịp cuối năm theo thỏa thuận của các bên.
Theo đó, có thể thấy, cả thưởng Tết và lương tháng 13 đều không phải là quyền lợi bắt buộc được hưởng đối với người lao động.
Như vậy, tiền thưởng Tết âm lịch cho lao động nữ đang nghỉ thai sản nói riêng, người lao động nói chung không phải là khoản bắt buộc công ty phải chi trả. Mà nó phụ thuộc vào quá trình làm việc của người lao động, kết quả sản xuất kinh doanh, quy chế thưởng của công ty.
Tuy nhiên, nếu các bên đã thỏa thuận về việc thưởng Tết, lương tháng 13 ngay cả khi người lao động nghỉ thai sản, được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế riêng của doanh nghiệp thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi này.
Do đó, cần căn cứ cụ thể vào điều kiện hưởng và mức hưởng thưởng Tết, lương tháng 13 trong các văn bản có giá trị pháp lý kể trên để biết được lao động nữ có được thưởng Tết, lương tháng 13 khi đang nghỉ thai sản hay không.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định rõ, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Đồng thời khoản 7, Điều này cũng chỉ rõ: Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Theo đó, thời gian nghỉ thai sản đã bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Chính vì vậy, lao động nữ nghỉ thai sản trùng dịp Tết sẽ không được nghỉ bù mà chỉ được nghỉ theo thời gian đã quy định như trên.
Việt Hương(T/h)