(ĐS&PL) Thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019) và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức phiên chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản vùng miền toàn quốc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn quận Tây Hồ từ tối ngày 10 đến 13/10/2019.
Doanh nhân Chương Tailor bên những chú chim đột biến rực rỡ sắc màu và những chiếc lồng chạm trổ công phu tinh xảo |
Nơi đây không chỉ hội tụ những đặc sản nổi tiếng các vùng miền trong cả nước, mà còn có hoa cây cảnh, chim cảnh...Đây còn là nơi gặp gỡ giao lưu, thúc đẩy liên kết giữa "5 Nhà": Nhà Quản lý - Nhà Nông - Nhà Khoa học - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Truyền thông để Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị và Phát triển bền vững hướng tới mục tiêu xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đặc biệt vào sáng ngày 12/10, trong khuôn khổ phiên chợ, Hội Sinh Vật Cảnh Thành phố Hà Nội đã tổ chức trình diễn “Sắc màu chim cảnh” và "Nét đẹp lồng tre" với dàn chim màu đột biến độc nhất vô nhị trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng của doanh nhân Dương Văn Chương (Chương Tailor). Tiếng chim màu hót lúi lo, chan hòa với muôn sắc hoa, cây cảnh rực rỡ trong khung cảnh phiên chợ nông sản giữa phố đã tạo ra những sắc thái riêng lôi cuốn du khách trong và ngoài nước.
Doanh nhân Chương Tailor giao lưu, trao đổi với một số đại biểu và cơ quan báo chí |
Nói về ý nghĩa của việc dàn chim màu quý hiếm và những chiếc lồng tre được chạm trổ tinh xảo trong một phiên chợ Nông sản, doanh nhân Chương Tailor chia sẻ: "Tôi muốn mang đến đây một thông điệp về sự cần thiết phải tạo ra giá trị khác biệt, dựa trên việc khai thác tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiện đại được kết tinh trong mỗi sản phẩm hàng hóa nông sản, tiểu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Chúng ta sẽ chẳng bán được hàng hóa của mình cho ai nếu chúng ta chỉ bán những loại hàng hóa đều na ná giống nhau từ mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm đến phong cách tiếp thị, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu...Trong nông sản, yếu tố này càng phải được quan tâm hơn. Giờ đây, thị hiếu tiêu dùng không còn dừng lại ở việc "ăn no", "ăn ngon" mà hướng tới sự "thưởng thức hương vị văn hóa" để tìm kiếm sự trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực và giá trị vùng miền. Nông sản Việt nói riêng, hàng hóa nói chung cũng rất cần những sản phẩm có chất lượng vượt trội một cách "đột biến" như những chú chim yêu quý này".
Doanh nhân Chương Tailor chỉ tay về phía những chiếc lồng chim Huế được chạm trổ tinh xảo theo những tích chuyện xưa và tiếp tục phân tích: "Giá trị của những chiếc lồng tre này, không chỉ bởi chất liệu, sự tài hoa khéo léo của người nghệ nhân Huế mà chính là bởi những câu chuyện văn hóa kèm theo những sản phẩm này. Đây là những tác phẩm nghệ thuật Handmade độc lạ, không lặp lại. Người ta có thể sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để săn lùng tìm bằng được những chiếc lồng quý, những con chim đột biến hay những món đồ cổ đắt tiền chính là mua những cảm xúc, những rung động rất đặc biệt, rất khác biệt mỗi khi thưởng thức nó. Tương tự mỗi sản phẩm nông sản cần phải kết tinh trong đó một câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn làm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu về vật chất và tinh thần của người tiêu dùng...".
Dàn chim quý hấp dẫn báo du khách gần xa |
Đồng tình với những phân tích của doanh nhân Chương Taitor, nhiều nghệ nhân, doanh nhân có mặt tại buổi trình diễn Sắc màu chim cảnh cho rằng, BTC phiên chợ kết nối giao thương các sản phẩm OCOP lần này đã thành công khi đưa ra mô hình xúc tiến thương mại nông sản di động trên phố. Ở đó, bức tranh của ngành nông nghiệp được thể hiện một cách đầy đủ, chân thực và sinh động, không chỉ là những sản phẩm vật chất thuần túy mà còn hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp.
Họ cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tìm ra những khâu đột phá, những sản phẩm đặc thù để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phải tính toán giữ lại một tỷ lệ diện tích trồng lúa hợp lý để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, phải tăng cường kết nối giữa phát triển nông nghiệp với du lịch và các ngành khác để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Kết thúc buổi trình diễn, dàn chim "khủng" được mang về trong sự tiếc nuối của nhiều du khách |
Thực tế, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã bước đầu chuyển đổi từ một nền nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Chỉ riêng diện tích trồng hoa cây cảnh, Sinh Vật Cảnh đã tăng lên 5.500 ha cho thu nhập cao gấp từ 5 - 7 lần so với trồng lúa. Hà Nội cũng đã phát huy lợi thế của mảnh đất trăm nghề với hơn 7.200 sản phẩm nông sản, làng nghề tương thích với 6 nhóm ngành hàng theo chương trình OCOP gồm 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%). Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội được gắn sao với ba mức là “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” không chỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước; mà còn có khả năng cạnh tranh. Việc gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ ở Hà Nội cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Một số hoạt động khác diễn ra trong khuôn khổ chương trình
Quyết Tuấn