Ở tuổi "cổ lai hy", nhiều người chọn cách nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, thế nhưng trái lại, không ít cụ vẫn miệt mài gắn bó với những công việc đòi hỏi sự khéo léo, minh mẫn. Răng rụng, lưng còng hay sức khỏe “sớm nắng chiều mưa” đều không phải chướng ngại vật, ngăn các cụ tiếp cận, học hỏi cái mới và duy trì niềm đam mê của mình.
Tay kéo giữ kỹ nghệ “độc nhất” Hà thành
Dù đã 80 tuổi nhưng ánh mắt, cử chỉ của bà Phạm Xuân Thu (Hàng Buồm, Hà Nội) vẫn hết sức nhanh nhẹn. Hàng chục năm qua, Cụ đã gắn bó với nghề cắt tóc vỉa hè, phục vụ bao khách ta, tây, già, trẻ. Đặc biệt, quán cắt tóc của bà chỉ mở hàng từ 7h sáng đến 10h hàng ngày, cũng chẳng có bảng hiệu hay chỉ dẫn nhưng lúc nào cũng đông khách.
Một số người đã trở thành “khách ruột” ở quán bà Thu từ 6 - 7 năm nay và không thể “làm quen” với tiệm cắt tóc nào khác. Một vị khách tây bộc bạch, cảm giác cắt tóc ở vỉa hè phố cổ từ bàn tay một bà lão là một sự trải nghiệm đặc sắc trong chuyến du lịch Thủ đô. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Thu vẫn đưa kéo thoăn thoắt, biểu diễn kỹ nghệ liếc dao cạo trên dây da điêu luyện mà ít người làm được. Ngoài kỹ thuật khéo léo, bà Thu tiết lộ, có lẽ cả Hà Nội chỉ mình bà dùng cục phèn chua thoa cho khách sau khi cạo mặt. Nhờ đó, khách sẽ cảm thấy da dịu mát, khoan khoái, dễ chịu.
Bà Thu đang cắt tóc cho một vị khách. |
Bên cạnh những đồ nghề cắt tóc quen thuộc, khách hàng đến quán bà Thu sẽ thấy những câu châm ngôn ý nghĩa được bà Thu dán lên góc gương như: "Hãy hôn thật chậm, Cười thật tươi, Tha thứ thật nhanh nhé...”, “Không có những thứ mình yêu thì hãy yêu những thứ mình có”. Trước cuộc sống mưu sinh ngày càng bon chen và nhiều áp lực, bà Thu mong rằng những vị khách trong khi chờ đợi bà “làm nhiệm vụ” có thể nghiền ngẫm những câu châm ngôn trên, buông bỏ những đố kỵ, lòng tham và tự rút ra bài học cho riêng mình.
Với bà Thu, công việc cắt tóc không chỉ đem lại cho bà cơm, áo, gạo tiền mà còn mang tới niềm vui và nguồn sống giúp bà vượt lên khó khăn, cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị giữa dòng xoáy cuộc đời. Bởi vậy, dù được con cháu động viên nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già nhưng bà Thu vẫn quyết theo nghề. Bà quyết làm nghề này cho đến khi ông trời không còn cho làm nữa. Bà bảo, bà còn sức ngày nào thì sẽ còn gắn bó với cây kéo, chiếc lược ngày đó để làm đẹp cho đời.
90 tuổi vẫn miệt mài vá xe
Không khó để tìm đến nơi mưu sinh của cụ Nguyễn Thị Vân trên đường Đê La Thành (Hà Nội). Tay nghề vá săm, sửa xe của cụ nổi tiếng ở khu vực này tới mức chỉ cần hỏi tên cụ, ai cũng sẽ chỉ dẫn tận tình đến đúng địa chỉ. Bất kể nắng mưa hay giá rét, cụ Vân đều cố gắng đi làm từ 5h - 18h. Bên trong bộ đồ nghề cụ đem theo chỉ có chiếc bơm cũ, vài miếng săm mới và dụng cụ vá săm như búa, cờ lê, móc lốp... Tất cả được gói gọn trong chiếc làn cũ bạc màu.
Cụ Vân quê ở Hà Nam, lặn lội lên Hà Nội mưu sinh từ năm 16 tuổi. Cụ kể, trước kia, chồng cụ là thợ chính còn cụ chủ yếu bán nước ngay cạnh, phục vụ khách sửa xe là chính. “Nhưng hàng ngày giúp ông ấy lấy đồ nghề, quan sát ông ấy sửa, tôi cũng học lỏm được nghề”, cụ Vân cười. Đến khi cụ ông qua đời, cụ Vân vẫn tiếp tục duy trì công việc này như một thói quen, không chỉ để mưu sinh mà còn để giúp bản thân có thêm sức khỏe. Con trai và con dâu cụ đều là cán bộ công nhân viên chức nghỉ hưu. Cả hai nhiều lần khuyên ngăn, không để cụ đi bơm xe để tránh người ngoài gièm pha điều tiếng. Nhưng cụ Vân vẫn một mực gắn bó với nghề.
Cách đây mấy năm, cụ còn sửa được cả phanh xe đạp, thậm chí bơm cả lốp ô tô con. Nhưng rồi tay run, lại không “địch” nổi máy móc, bước sang năm nay, cụ chỉ bơm, vá được xe đạp, xe số đơn giản. Bên cạnh tinh thần lao động, cụ Vân còn khiến nhiều người sửng sốt khi tiết lộ bản thân vẫn có thể chống đẩy được gần 20 - 30 cái mỗi ngày.
“Bà còng” siêu công nghệ
Dù được người quanh vùng biết đến với danh xưng “cụ bà xì tin” hay “bà còng Xa La” nhưng chỉ đến khi một tờ báo nước ngoài đăng tải về biệt tài sử dựng thành thạo Internet ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ bà Lê Thi (Hà Đông - Hà Nội) mới nổi tiếng khắp cả nước. Được biết ở tuổi 97, cụ Thi vẫn dành thời gian lên mạng cập nhật tin tức hoặc đọc các bài đăng trên diễn đàn văn học mà cụ yêu thích. Để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, cụ không cần phải nhờ con cháu bấm số điện thoại hay viết thư giùm mà trực tiếp trao đổi qua mạng xã hội Facebook và Skype (một phần mềm cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí trên máy tính, điện thoại...). Ngoài ra, cụ còn dành thời gian để làm thơ, vẽ tranh và viết tiểu thuyết dài hàng nghìn trang trên máy tính. Cụ Thi cho biết, cụ học thao tác trên máy vi tính từ năm 84 tuổi, với mục đích ban đầu là để hoàn thiện cuốn tiểu thuyết “Ngược dòng” nhưng sau đó được các cháu hướng dẫn, cụ dần làm quen với công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook và “Yahoo”. Nhờ tập trung, cụ chỉ mất 2 ngày để sử dụng thành thạo máy vi tính. Tuy răng rụng, lưng đã còng nhưng cụ luôn tâm niệm đã sống được ngày nào thì phải sống thật ý nghĩa, hết mình vì đam mê ngày đó. Sau này, cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu đi, cụ Thi cũng hạn chế thời gian vào mạng, chủ yếu chỉ theo dõi truyện và tin tức hằng ngày.
Đọc những bài báo trong nước và nước ngoài viết về cụ Thi, nhiều độc giả bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ của cụ. Có người còn khẳng định, sự minh mẫn và nhiệt huyết của cụ còn vượt xa nhiều người trẻ. Trong phòng cụ Thi bày biện khá nhiều sách, phần lớn là những cuốn sách do cụ viết và sáng tác. “Tôi quan niệm mình cũng giống như then cửa sắt, nếu để không sẽ hoen gỉ nhưng sử dụng hàng ngày thì sẽ luôn như mới. Con người nếu hàng ngày không tư duy, học hỏi thì cũng nhanh cũ kỹ, già nua" – chia sẻ của cụ với báo giới ngày nào hẳn đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ.
Xuất bản tập thơ ở tuổi 101
Theo một phóng sự do đài truyền hình Việt Nam thực hiện, cụ bà Lê Thị Phan (TP.HCM) năm nay đã bước sang tuổi 101 nhưng vẫn còn rất khoẻ, tự làm hết mọi sinh hoạt cá nhân. Cụ còn hơn con cháu ở chỗ có thể làm thơ hằng ngày, dù cụ chỉ mới học hết vỡ lòng. T
ừ chỗ chỉ biết “O tròn như quả trứng gà. Ô thời (thì – PV) có mũ. Ơ thời thêm râu. I thời có chấm trên đầu. Chữ A thời lại có móc câu trên mình”, cụ đã học được luật thơ của các thể tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát...
Cụ Phan mồ côi mẹ từ nhỏ. Khi lấy chồng, cuộc sống vất vả, cụ phải mưu sinh bằng đủ nghề để nuôi 3 con và 1 cháu (con của người chị gái). Nhưng cũng chính từ đó, tình yêu và những tứ thơ nảy mầm, sinh sôi trong suy nghĩ của cụ: “Mất mật, còn gan, chẳng sợ gì/ Cuộc đời gian khổ đã nhiều chi/ Đói cơm rách áo nuôi con cháu/ Quyết chí vươn lên chẳng sợ gì”. Năm 80 tuổi, được đến Mỹ lần đầu tiên, cụ cũng làm thơ để làm kỷ niệm: “Tám mươi đứng giữa vườn hoa/ Mỹ ơi có thấy bà già vẫn xuân/ Cuộc đời vất vả gian truân / Hãy nhìn cho biết - tinh thần Việt Nam”.
Trong lối sống cũng như trong những vần thơ của cụ là gìn giữ nếp nhà, gia phong, dòng họ. Con cháu cụ, người làm tiến sĩ, người là cử nhân. Tất cả đều cố gắng để đến hơn 100 tuổi vẫn sống khỏe, sống vui như cụ.