(ĐSPL) - Hướng vào lĩnh vực kinh doanh khai thác mỏ, Masan đã phải huy động gần 400 triệu USD vào Núi Pháo. Vậy để có khoản tiền lớn này, Masan huy động từ đâu?
Không chỉ dừng lại việc kiếm tiền từ Masan Consumer (công ty con kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm), Masan Group còn sẽ “hốt” tiền từ mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên).
Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources) là đơn vị trực tiếp vận hành mỏ Núi Pháo để cho ra những sản phẩm khoáng sản hứa hẹn bội thu trong năm 2014 này.
Việc đầu tư vào Núi Pháo bắt đầu từ thương vụ mua bán của Masan Group với Dragon Capital vào năm 2010. Masan Group đã mua lại 100\% lợi ích kinh tế (bao gồm quyền chọn mua để có thể mua thêm phần lợi ích kinh tế từ các cổ đông thiểu số) của Núi Pháo từ các cổ đông thiểu số và từ các quỹ đầu tư và công ty do Dragon Capital sở hữu hoặc quản lý.
Để xây dựng và từng bước phát triển dự án này, Masan Group đã vay 3 ngân hàng lớn với tổng số tiền 285 triệu USD. Cụ thể: 115 triệu từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (tháng 2/2011); 90 triệu USD từ Vietcombank (tháng 3/2011) và 80 triệu USD từ Standard Chartered Bank (tháng 3/2012).
Nhà máy chế biến mỏ tại Núi Pháo. |
Qua việc chào bán 20\% cổ phần của Công ty Tài nguyên Masan (Masan Resources) cho quỹ nước ngoài thì Masan đã có thêm được 100 triệu USD.
Theo thông cáo báo chí phát ngày 14/2, Masan cho biết, ngay từ đầu năm 2014, Núi Pháo đã giao cho khách hàng khối lượng sản phẩm trị giá hơn 14,4 triệu USD, bao gồm đầy đủ bốn dòng sản phẩm: sản phẩm giá trị gia tăng vonfram, cũng như tinh quặng florit, bismut và đồng. Với tiến độ này, mỏ Núi Pháo sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu của Masan Group ngày trong quý I/2014.
Mỏ Núi Pháo với nhà máy chế biến đẳng cấp thế giới cùng công nghệ hiện đại nhất ở Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành nhà sản xuất vonfram lớn thứ hai thế giới. Sản lượng chế biến trung bình của nhà máy hiện đã chạm đến mốc 100\% công suất thiết kế.
Việt Hương (T.H)