(ĐSPL) - Bị cáo Tâm thừa nhận không kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán, thẻ kho, sổ tiền mặt, không kiểm tra đối chiếu các chứng từ gốc và không ký xác nhận, đóng dấu.
Hôm nay (23/7), ngày thứ 4 phiên xét xử sơ thẩm vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là công ty Phương Nam), Hội đồng xét xử tiếp tục làm rõ hành vi các bị cáo gây thất thoát số tiền trên 784 tỷ đồng của 5 ngân hàng.
HĐXX tập trung xét hỏi, làm rõ hành vi "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của các bị cáo Đỗ Hùng Sở, nguyên Giám đốc; Nguyễn Hoài Bảo, nguyên Trưởng phòng Khách hàng; Nguyễn Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Quản lý Tín dụng; Vũ Ngọc Thuận, nguyên Phó giám đốc; Tống Hùng Vĩ, nguyên chuyên viên Tín dụng; Nguyễn Việt Tâm, nguyên chuyên viên Thẩm định; Nguyễn Thanh Vinh, nguyên chuyên viên Định giá tài sản đảm bảo và Phạm Vĩnh Phúc, nguyên chuyên viên Tín dụng (cùng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang). Đây là 1 trong 5 ngân hàng có số bị cáo bị truy tố nhiều nhất, với 8 bị cáo và số tiền bị thất thoát lớn, không có khả năng thu hồi lên đến 248 tỷ đồng.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng tại phiên xét xử sơ thẩm. |
HĐXX xét hỏi trong quá trình thẩm định hồ sơ cho công ty Phương Nam vay vốn, bị cáo Nguyễn Thanh Vinh làm nhiệm vụ gì? Bị cáo Vinh khai làm kiểm tra báo cáo tài chính và hàng tồn kho ở 6 kho tôm đông lạnh của công ty Phương Nam. HĐXX truy vấn việc kiểm tra hàng tồn kho sau khi cho vay có kỹ lưỡng, chính sát? Bị cáo Vinh nói khó quản lý, theo dõi hàng tồn kho thế chấp, bởi hàng giờ, hàng ngày các kho hàng của công ty Phương Nam xuất – nhập liên tục.
HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Việt Tâm tham gia khâu nào trong thẩm định hồ sơ xét duyệt cho công ty Phương Nam vay vốn? Bị cáo Tâm nói là kiểm tra tài sản đảm bảo của công ty là hàng tồn kho, xác định số lượng tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bị cáo Tâm cho rằng mình không kiểm tra chặt chẽ, cụ thể khi kiểm tra thực tế đã không kiểm điếm chi tiết, cụ thể lượng hàng từ kho.
Bị cáo Tâm cũng thừa nhận không kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán, thẻ kho, sổ tiền mặt, không kiểm tra đối chiếu các chứng từ gốc và không ký xác nhận, đóng dấu vào các chứng từ mua hàng từ nguồn vốn mà công ty Phương Nam vay của ngân hàng. Do đó bị cáo không phát hiện việc công ty Phương Nam tự định đoạt tài sản hàng hóa bảo đảm.
Nguyễn Việt Tâm và Nguyễn Hoài Bảo khai, từ 30/6/2011 – 20/2/2012, kiểm tra 15 lần tình hình sử dụng vốn vay tại công ty Phương Nam. Các lần kiểm tra đều xác nhận công ty Phương Nam sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoạt động kinh doanh đang tiến triển tốt, tài sản bảo đảm tiền vay là hàng hóa tồn kho trị giá từ 502 – 505 tỷ đồng đủ đảm bảo cho khoảng vay 250 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang.
Tuy nhiên, Tâm và Bảo khai khi kiểm tra không đối chiếu hóa đơn chứng từ gốc, không xác minh trực tiếp khách hàng vay vốn và người cung cấp nguyên liệu nên các bị cáo không phát hiện việc công ty Phương Nam dùng một chứng từ là hàng tồn kho đem photocopy rồi gửi hàng loạt ngân hàng để vay vốn, nhằm sử dụng vốn vay sai mục đích.
Hậu quả, đến ngày 22/5/2014, hàng tồn kho mà công ty Phương Nam thế chấp để vay vốn ở 5 ngân hàng chỉ còn hơn 41 tỷ đồng, trong đó không xác định được Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang có bao nhiêu tài sản thế chấp của công ty Phương Nam.
Trả lời HĐXX bị cáo Tống Hùng Vĩ nói trong hồ sơ xét cho công ty Phương Nam vay vốn, bị cáo chỉ tham gia thẩm định hồ sơ như thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo hàng tồn kho. Theo bị cáo Vi, qua xem xét báo cáo tài chính của công ty Phương Nam thấy doanh số kinh doanh lớn, lợi nhuận và nộp thuế khá cao nên đồng ý đề xuất lãnh đạo ngân hàng cho vay vốn.
Bị cáo Vĩ cũng thừa nhận có thiếu sót do năng lực còn hạn chế nên không thể thẩm định kỹ hồ sơ cho công ty Phương Nam vay vốn, đặc biệt kiểm tra hàng tồn kho không được chặt chẽ để ngân hàng thiệt hại số tiền lớn.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên phó giám đốc phụ trách toàn bộ tín dụng ngân hàng Vietcombank Sóc Trăng) cho biết từ năm 2008 đến 2013, do Phương Nam cần vay vốn nên phân công Lâm Quốc Tuấn (nguyên Trưởng phòng khách hàng) chỉ đạo Huỳnh Thị Ngọc Huệ (cán bộ phòng khách hàng) thực hiện thẩm định tài sản của công ty này. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng bị truy tố tội "vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tín dụng" là không đúng. Bởi khi thẩm định hồ sơ, thủ tục để cho vay… đều thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của ngân hàng.
Về thất thoát hơn 77 tỷ đồng không có khả năng thu hồi do Phương Nam chiếm đoạt, bị cáo Dung khẳng định: "VCB Sóc Trăng không bị thiệt hại, chỉ đang trong giai đoạn thu hồi nợ. Riêng số hàng tồn kho trị giá gần 41 tỷ đồng của Phương Nam, yêu cầu HĐXX giải quyết cho ngân hàng VCB Sóc Trăng vì Phương Nam thế chấp cho VCB Sóc Trăng đầu tiên".
Ngược lại, bị cáo Huệ lại thừa nhận có nhiều thiếu sót trong hoạt động kiểm tra tài sản thực tế, chỉ dựa vào báo cáo xuất, nhập hàng tồn kho; chỉ bốc mẫu hàng tồn kho kiểm tra chứ không kiểm đếm số lượng cụ thể…
Trong khi đó, Kim Hoàng Minh Tân (nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng ngân hàng ABBank Bạc Liêu) cũng thừa nhận một phần tội theo cáo buộc. Bị cáo nói rằng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của Phương Nam đã không xác minh thông tin về giao dịch bảo đảm nên không phát hiện hoàng hóa tồn kho của Phương Nam đã được thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác; tham gia kiểm tra kho và sử dụng vốn sau khi cho vay chỉ dựa vào báo cáo và bản kê của Phương Nam… gây thiệt hại cho ngân hàng gần 40 tỷ đồng. Nhưng bị cáo Tân cho biết mình làm theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Cuối buổi xét xử, toà cũng lần lượt thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thế Thắng (nguyên giám đốc Ngân hàng VDB Sóc Trăng); Đỗ Hùng Sở (nguyên giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, hội sở Hậu Giang); Nguyễn Văn Sơn (nguyên giám đốc Ngân hàng An Bình) chi nhánh Bạc Liêu; Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng); Lưu Quốc Cường (nguyên Phó giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó giám đốc ngân hàng TMCP Ngọai thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng…)
Trong tổng số tiền thiệt hại từ vụ án, ngân hàng VDBank chi nhánh Sóc Trăng được xác định gây thiệt hại lớn nhất với số tiền hơn 343 tỷ đồng; ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu không thu hồi được hơn 53 tỷ, Sacombank Sóc Trăng hơn 132 tỷ...
BTV(Tổng hợp)
[mecloud]xZazXNZYyH[/mecloud]