(ĐSPL) - Alibaba- Đại gia thương mại điện tử Trung Quốc đang bị Kering – hãng sở hữu các thương hiệu xa xỉ như Gucci hay Yves Saint Laurent kiện vì hàng nhái trên các trang mua sắm trực tuyến.
Các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Yves Saint Laurent cùng một số thương hiệu khác sở hữu bởi Kering (Pháp) đã đệ đơn kiện "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc ALIBABA lên Tòa án Manhattan (Mỹ) vì đã cho những nhà bán lẻ kinh doanh hàng giả đến khắp nơi trên thế giới thông qua website của mình.
Nhóm các nhà sản xuất cáo buộc Alibaba có dự tính sản xuất, chào bán và tạo điều kiện chuyển giao hàng giả mang các nhãn hiệu của mình mà không được sự cho phép. Và đây cũng là lần thứ hai trong chưa đầy 12 tháng qua, Kering kiện Alibaba với cáo buộc bán các mặt hàng giả mạo.
Đơn kiện cáo buộc Alibaba thông đồng trong việc sản xuất, chào bán và vận chuyển các sản phẩm hàng giả, hàng nhái mang nhãn hiệu của các công ty nguyên đơn, mà không được sự cho phép của các công ty này.
Taobao bị cáo buộc là nơi hàng giả, hàng nhái tràn lan. Ảnh: WSJ |
Phản ứng trước đơn kiện trên, phát ngôn viên Bob Christie của Alibaba, nói: “Chúng tôi tiếp tục hợp tác với nhiều thương hiệu để giúp họ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Và chúng tôi cũng có một lịch sử lành mạnh trong lĩnh vực này. Không may là Kering đã chọn con đường kiện tụng lãng phí, thay vì hợp tác mang tính xây dựng. Chúng tôi tin là đơn kiện này không có căn cứ và chúng tôi sẽ quyết tâm chống lại”.
Lo ngại về các sản phẩm giả, nhái trên các trang con của Alibaba, như Taobao, đã là vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Cho dù Đại điện thương mại Mỹ đã đưa Taobao ra khỏi danh sách “những thị trường hàng giả, nhái khét tiếng vào năm 2012, nhờ những tiến bộ mà trang này đạt được.
Đơn kiện nộp ngày 15/5 đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm Kering kiện Alibaba. Đơn kiện trước đó được nộp vào tháng 7 năm ngoái, và được rút ngay trong tháng đó để Kering và Alibaba hợp tác cùng tìm giải pháp. Tuy vậy, đơn kiện năm ngoái vẫn hoàn toàn có thể được Kering nộp lại, nếu hai bên không đi tới được sự thống nhất.
Đơn kiện mới nhất cáo buộc Alibaba và các tổ chức liên quan “cung cấp quảng cáo và các dịch vụ cần thiết khác cho các nhà sản xuất hàng giả, nhái bán sản phẩm giả, nhái đến người tiêu dùng ở Mỹ”.
Lá đơn lấy bằng chứng là một chiếc túi Gucci nhái, được một nhà cung cấp Trung Quốc rao bán với giá 2-5 USD mỗi chiếc cho khách mua từ 2.000 chiếc trở lên. Trong khi đó, một chiếc túi Gucci hàng thật được bán lẻ với giá 795 USD.
Alibaba cho biết tập đoàn đã dành 161 triệu USD trong hai năm qua để chiến đấu với vi phạm sở hữu trí tuệ và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. |
Đơn kiện cáo buộc Alibaba cho phép việc bán hàng giả, nhái tiếp diễn, ngay cả khi đã được thông báo rằng, các chủ cửa hàng trên mạng này đang bán hàng giả, hàng nhái.
Đơn kiện đề nghị tòa ban lệnh cấm Alibaba chào bán hoặc tạo điều kiện cho việc bán hàng giả, nhái. Đồng thời nguyên đơn đòi bồi thường một khoản, bao gồm 2 USD cho mỗi món hàng giả, nhái được bán trên mạng này.
Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã phát hành một báo cáo buộc tội Alibaba hoạt động trái phép vì không thể kiểm soát được thị trường kinh doanh internet. Tập đoàn này quá lỏng lẻo trong các hoạt động kinh doanh vì đã cho phép các thương gia bán hàng giả tràn lan trên thị trường mạng, từ những kiểu thiết kế túi xách đến những chiếc smarthphone, theo Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại (SAIC).
Năm ngoái, trong bản báo cáo IPO của tập đoàn, Alibaba đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng tập đoàn có thể lại bị chỉ trích vì những lời tố cáo tiếp tay cho các cửa hàng kinh doanh trái phép trên mạng.
Giữa năm 2008-2011, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho rằng Taobao là hội chợ khét tiếng với nhiều loại mặt hàng giả vi phạm bản quyền.
Trước đó, Alibaba cho biết tập đoàn đã dành 161 triệu USD trong hai năm qua để chiến đấu với vi phạm sở hữu trí tuệ và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.
“Vụ kiện lần này của Tập đoàn Kering chính là một phần nỗ lực trong việc duy trì lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm chính hãng”, một phát ngôn của Kering cho biết.
Các thương hiệu khác thuộc sở hữu của tập đoàn Kering bao gồm: Stella McCartney, Alexander McQueen, Balenciaga, Bottega Veneta và Puma.
Alibaba với khẩu hiệu "GLOBAL TRADE STARTS HERE..." là một tập đoàn thương mại điện tử/đấu giá trực tuyến được Jack Ma thành lập vào năm 1999, có trụ sở đặt tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc.
Tính đến tháng 1 năm 2007, ALIBABA GROUP gồm có 5 công ty là Alibaba.com, Taobao - Đối thủ chính của eBay ở Trung Quốc về đấu giá trực tuyến, Yahoo! Trung Quốc, Tmall và Alisoft.
Ngày 19 tháng 9 năm 2014, tập đoàn này chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu tài Sở giao dịch chứng khoán New York với vốn hóa 231 tỷ USD, cao hơn cả Amazon và eBay cộng lại. Tính đến thời điểm tháng 9 năm 2014, tập đoàn Alibaba có quy mô 20.000 nhân viên và 90 văn phòng trên toàn thế giới.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
Video: Kinh hoàng hơn 100kg mì tươi chứa hàn the[mecloud]MsXmyJNuFg[/mecloud]