Ngày 21/5, đại diện EU đã bày tỏ sự phản đối trước việc Mỹ đưa ra 12 điều kiện nhằm đạt được một thỏa thuận mới với Iran.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố: “Không có giải pháp thay thế nào cho thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015”. Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất của EU cho phát biểu trước đó cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó đưa ra những điều kiện “ngặt nghèo” để đạt được một thỏa thuận mới với Iran.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini. - Ảnh: European Western Balkans. |
Bà Mogherini nói: “Bài phát biểu của ông Pompeo không nói việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã và sẽ làm tình hình khu vực an toàn hơn và không bị đe dọa bởi phổ biến vũ khí hạt nhân. Cũng không nói việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giúp chúng ta có ảnh hưởng tốt hơn thế nào đến hành động của Iran. Thỏa thuận hạt nhân Iran là không thể thay thế”.
Bà nhắc lại lập trường của EU về thỏa thuận hạt nhân, chỉ cần Iran tuân thủ những cam kết của mình, EU sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân một cách “hoàn toàn và hiệu quả”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ áp dụng loạt trừng phạt "nặng nề nhất lịch sử" đối với Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. - Ảnh: The Independent. |
Ông Pompeo đã đề cập tới một “phương án B” của Washington trong việc đối phó với Tehran. Theo đó, Mỹ sẽ lập một liên minh toàn cầu dồn áp lực buộc Iran ngồi vào bàn thương lượng.
Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu Iran ngưng mọi hoạt động làm giàu uranium, chấm dứt chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và cho phép giám định viên về hạt nhân hoạt động trên lãnh thổ của mình.
Những yêu cầu trên nằm trong "12 điều kiện cơ bản" Iran buộc phải thực hiện nếu muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và không áp dụng lệnh cấm vận cứng rắn. Theo ông Pompeo, Iran sẽ tiếp tục cảm thấy "đau nhức vì các đòn trừng phạt", nếu nước này quyết tâm theo đuổi "con đường không thể được chấp nhận và cũng không mang lại lợi lộc gì" trong việc phát triển hạt nhân.
Trước động thái này, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran cũng đã cực lực phản đối những yêu cầu ông Pompeo đưa ra, đồng thời lên án tất cả những người ủng hộ chính quyền Washington.
Ông Ismail Kowsari, Phó Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Sarollah, một nhánh của IRGC tại Tehran tuyên bố: "Người dân Iran cần phải đoàn kết, cùng nhau chống lại điều này".
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã lên tiếng phản đối các yêu cầu của ông Pompeo, và nói rằng Mỹ không có quyền đơn phương quyết định thay cho các quốc gia khác.