+Aa-
    Zalo

    Đại án OceanBank: Tòa yêu cầu triệu tập “khẩn” nhiều sếp ngân hàng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại phiên tòa xử đại án OceanBank sáng 8/9, HĐXX yêu cầu triệu tập ông Trần Thanh Quang (Phó Tổng Giám đốc OceanBank), bà Lê Thị Thoa (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà

    Tại phiên tòa xử đại án OceanBank sáng 8/9, HĐXX yêu cầu triệu tập ông Trần Thanh Quang (Phó Tổng Giám đốc OceanBank), bà Lê Thị Thoa (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội), bà Trần Thị Kim Chi (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Phòng).

    Theo tin tức trên TTXVN, sáng 8/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

    Để có cơ sở làm rõ lời khai của những bị cáo này, Hội đồng xét xử đã quyết định yêu cầu triệu tập 6 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào ngay đầu giờ chiều nay.

    6 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan này được HĐXX triệu tập gồm: Ông Trần Thanh Quang (Phó Tổng Giám đốc OceanBank), bà Lê Thị Thoa (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội), bà Trần Thị Kim Chi (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Phòng) và 3 người là lãnh đạo của Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) gồm: ông Từ Thành Nghĩa (Tổng Giám đốc), ông Võ Quang Huy (Kế toán trưởng), ông Nguyễn Hữu Tuyến (nguyên Tổng Giám đốc). Hội đồng xét xử đã đề nghị thư ký phiên tòa phối hợp với C46 của Bộ Công an thực hiện quyết định triệu tập này ngay chiều nay (8/9).

    Trong số này có ông Trần Thanh Quang là người liên quan đã được HĐXX triệu tập từ trước, nhưng ông đã có đơn xin được vắng mặt. Do xét thấy cần thiết để tiến hành thẩm vấn và đối chất với các bị cáo, HĐXX đã quyết định triệu tập.

    Việc triệu tập này được bắt nguồn từ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa. Trong đó có bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối ngân hàng cá nhân OceanBank).

    Bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử sáng nay (8/9) - Ảnh: Dân trí

    Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trang cho biết bị cáo giữ chức vụ này từ ngày 1/9/2012. Công việc của bị cáo thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng Giám đốc OceanBank Trần Thanh Quang. Về quy kết của cáo trạng, bị cáo cho rằng, không cố ý làm trái vì bị cáo tiếp nhận khối bán lẻ cũ không biết việc chi lãi ngoài. Bị cáo không được bàn bạc, không được thống nhất. Bị cáo không được chỉ đạo trực tiếp từ Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu. Bị cáo không tổng hợp, không đối chiếu số tiền chi lãi ngoài cho khách hàng. Bị cáo không chỉ đạo khối khách hàng cá nhân thực hiện tổng hợp số liệu…

    Bị cáo Khôi Trang thắc mắc, Phó Tổng Giám đốc Trần Thanh Quang chỉ đạo trực tiếp công việc của bị cáo nhưng không vướng “tội”, thì tại sao bị cáo lại phải đứng trước vành móng ngựa? Bị cáo cũng phải gánh toàn bộ trách nhiệm của chị Đào Thị Thanh Hằng – Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân là không hợp lý.

    Liên quan đến phần thẩm vấn của bị cáo Khôi Trang, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) cho biết, Phó Tổng Giám đốc OceanBank Trần Thanh Quang được phân công điều hành 3 khối, trong đó có khối khách hàng cá nhân của bị cáo Khôi Trang. Bị cáo cho rằng, mình không chỉ đạo trực tiếp khối của Trang.

    Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba khai: Ông Quang chỉ đạo bị cáo bàn giao việc chấm và đối chiếu khách hàng cá nhân sang cho chị Trang. Với nhận thức của bị cáo Thu Ba, chi lãi ngoài là chi phí cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, 51.000 khách hàng mới ở lại với OceanBank, giúp OceanBank vượt qua khó khăn. Thống kê năm 2011, 2012 cho thấy số dư cho vay ra là trên 19.000 tỷ đồng, tiền gửi chỉ đạt 6.600 tỷ đồng, do đó OceanBank phải cố gắng giữ được nguồn tiền gửi.

    Trên cơ sở những lời khai này của các bị cáo, luật sư đã đề nghị HĐXX triệu tập ông Trần Thanh Quang để làm rõ các tình tiết liên quan đến hành vi của bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang.

    Theo báo Tri thức trực tuyến, lúc 9h ngày 8/9, luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) xét hỏi thân chủ của mình.

    Trả lời câu hỏi của luật sư, Thắm cho hay trong thời gian làm đứng đầu ngân hàng trên, ông không được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoặc Thanh tra, Ban pháp chế đơn vị này nhắc nhở, ngăn cấm, cảnh báo về thực hiện, thi hành chủ trương chi lãi ngoài.

    Theo lời Thắm, ngân hàng này thường xuyên làm báo cáo kinh doanh định kỳ cho NHNN theo quy định, nếu báo cáo chậm còn bị phạt. Hàng năm, NHNN tổ chức 2 đợt thành tra toàn diện Oceanbank. Chi nhánh của nhà băng này tại các tỉnh cũng bị kiểm tra.

    "Anh đưa ra chủ trương chi lãi ngoài từ thời gian nào?", luật sư hỏi. Thắm đáp chủ trương chi lãi ngoài ông ta bàn với Nguyễn Xuân Sơn từ năm 2009. Sau chủ trương đó, giai đoạn từ 2010 đến tháng 11/2014, nhờ chi lãi ngoài mà lượng khách hàng gửi tiền vào Oceanbank tăng cao.

    "Tới tháng 9/2011, khi bị cáo dừng chủ trương chi lãi ngoài thì huy động vốn giảm. Thấy giảm quá, bị cáo lại nối lại thì vốn lại tăng tiếp", bị cáo trình bày.

    Trả lời câu hỏi của luật sư về con số cáo trạng quy kết chủ trương chi lãi ngoài gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.576 tỷ, Thắm một lần nữa khẳng định con số này chưa chính xác. Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank giải thích phần chăm sóc khách hàng chỉ 1.088 tỷ, ngoài ra ông còn cho Oceanbank vay hơn 100 tỷ đồng…

    Thắm cho biết giai đoạn 2010-2014, sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thực hiện chi lãi suất ngoài, tổng doanh thu của Oceanbank được gần 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng này nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Hải Dương với gần 300 tỷ đồng và trả cổ tức cho PVN gần 300 tỷ đồng.

    "Cáo trạng quy kết thiệt hại hơn 1.500 tỷ do chi lãi ngoài, bị cáo cho rằng đây không phải thiệt hại", Thắm một lần nữa khẳng định.

    Theo báo An ninh Thủ đô, cũng ở phần xét hỏi sáng nay (8/9), luật sư bào chữa cho các bị cáo nằm trong nhóm 34 cựu Giám đốc, phó Giám đốc các Chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống Oceanbank liên tục đưa ra các câu hỏi nhằm làm rõ việc chi lãi ngoài ở các chi nhánh, phòng giao dịch thực tế là như thế nào.

    Hầu hết các bị cáo từng là thuộc cấp của Hà Văn Thắm đều khẳng định, từ năm 2010 đến năm 2013, đại bộ phận các chi nhánh, phòng giao dịch đều làm ăn có lãi, góp phần bảo đảm hoạt động của Oceanbank, đồng thời đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, một số bị cáo trong nhóm này còn cho rằng ở một số khoản tiền cụ thể, họ bị truy tố oan vì không chi lãi vượt trần.

    Đặc biệt, trước tòa, bị cáo Nguyễn Kiều Liên – cựu Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Oceanbank cho rằng từ năm 2010 đến trước khi vụ án xảy ra, đơn vị này có lãi tổng cộng hơn 200 tỷ đồng và được xác định là có đóng góp lớn cho ngân hàng, nhưng rốt cuộc bị cáo Liên vẫn phải “nhập hội” với Hà Văn Thắm.

    “Thực sự đến giờ bị cáo cùng một số bị cáo khác trong vụ án vẫn chưa hiểu vì sao lại phải đứng ở đây. Bị cáo không được bàn bạc về chủ trương chi lãi ngoài và chỉ thực hiện nhiệm vụ của người lao động, theo hợp đồng lao động. Về hậu quả nghiêm trọng thì như bị cáo đã trình bày, Chi nhánh Vũng Tàu luôn làm ăn có lãi” – cựu Giám đốc Oceanbank Vũng Tàu nghẹn ngào.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-oceanbank-toa-yeu-cau-trieu-tap-khan-nhieu-sep-ngan-hang-a201285.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan