+Aa-
    Zalo

    Đại án 9000 tỷ đồng: Hé lộ nhiều thông tin quan trọng sau 9 ngày làm việc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau 9 ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã hé lộ nhiều thông tin quan trọng

    (ĐSPL) - Sau 9 ngày làm việc, phiên tòa xét xử vụ án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã hé lộ nhiều thông tin quan trọng.

    Theo tin tức đăng trên báo Dân Trí, đến nay có thông tin về nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB có nhận lãi ngoài, cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) vay tiền, lời khai của bà Trần Ngọc Bích mâu thuẫn với bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang)…

    Tại những phiên xét hỏi vừa qua, bà Bích vẫn khẳng định không có mối quan hệ gì với Phạm Công Danh và bà Bích nhấn mạnh: “Tôi gửi tiền cho VNCB từ khi nó còn là ngân hàng Đại Tín”. Trong khi đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết thì vẫn bảo lưu lời khai trước tòa là Bích, Danh có sự đồng thuận trong việc Phạm Công Danh chuyển 5.190 tỷ đồng mà không có chữ ký của Bích vào tài khoản của Phạm Công Danh. Do đây chỉ là phần xét hỏi vì vậy HĐXX đã không có ý kiến gì về hai lời khai đối nghịch nhau này.

    Các bị cáo tại phiên tòa xét xử (Ảnh: Vietnamnet)

    Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (Đoàn Luật sư TPHCM) bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà Trần Ngọc Bích tại phiên tòa cho rằng: “Diễn biến phiên tòa và toàn bộ hồ sơ vụ án cho đến nay, chúng tôi không thấy một lời khai nào của bà Trần Ngọc Bích hay một chứng cứ nào cho thấy Bà Bích cho Phạm Công Danh vay tiền. Bà Bích là khách hàng của Ngân hàng Đại Tín từ đầu năm 2012, trước khi nhóm Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (tháng 02/2013). Quan hệ gửi tiền, vay tiền là quan hệ của Bà Bích với Ngân hàng Đại tín (sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng). Đây không phải là mối quan hệ cá nhân giữa Bà Bích và Phạm Công Danh”.

    Liên quan đến thông tin bị cáo Hoàng Đình Quyết có nói là bà Bích khai không đúng, việc chuyển số tiền 5.190 tỉ của khoản vay ngày 21/8/2013 và 26/8/2103 từ tài khoản của nhóm Trần Ngọc Bích vào tài khoản của nhóm Phạm Công Danh là có sự đồng thuận của bà Bích, LS Uyên khẳng định: “Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Bà Bích đã nhiều lần khẳng định Bà Bích không biết và cũng không đồng tình cho VNCB tự ý chuyển tiền khỏi tài khoản của Bà Bích. Hiện vụ án đang trong giai đoạn xét hỏi, tôi không bình luận về lời khai của Hoàng Đình Quyết đúng hay sai, nhưng mọi lời khai thì cần phải có chứng từ, chứng cứ phù hợp. Hoàng Đình Quyết cho rằng việc VNCB tự ý chuyển tiền khỏi tài khoản của Bích, không có chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản là được sự đồng thuận của bà Bích nhưng Quyết cũng như các bị cáo khác không đưa ra được bất kỳ chứng từ, chứng cứ nào chứng minh việc này tại Tòa. Đây thuần túy chỉ là lời khai của Quyết”.

    “Tại tòa Bà Trần Ngọc Bích đã khẳng định rõ mục đích sử dụng vốn vay là làm kinh tế gia đình, đúng với hồ sơ vay vốn tại VNCB, bà Bích không dùng tiền giải ngân ngày 21/08/2013 để trả nợ cho khoản vay ngày 21/06/2013. Các lời khai của bà Bích chưa có gì mâu thuẫn”, LS Uyên nhấn mạnh.

    Lý giải về việc 1 năm sau bà Bích mới phát hiện bị “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ đồng trong tài khoản của mình, LS Uyên nói: “Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Bà Bích đã giải thích vì đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn, khi có nhu cầu sử dụng và đến hạn thì Bà Bích mới rút tiền và khi đó VNCB đã trì hoãn việc trả tiền mà không nói rõ lý do. Đến lúc cơ quan điều tra mời làm việc và thông báo thì Bà Bích mới chính thức biết. Hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu về quá trình làm việc giữa Bà Bích với VNCB sau khi Bà Bích yêu cầu được rút tiền thể hiện bà Bích không hề biết việc VNCB tự ý chuyển tiền ra khỏi tài khoản của Bà Bích trước đó”.

    Theo báo Vietnamnet, trong phiên tòa sáng 29/7, bị cáo Phạm Công Danh đã có nhiều lời khai liên quan đến ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương).

    Theo cáo trạng, Trustbank tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Rạch Kiến. Thời điểm đầu năm 2012, ngân hàng này có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng do nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92\% cổ phần. Từ ngày 9/2/2012 đến ngày 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành thanh tra Trustbank, kết luận thực trạng tài chính rất xấu, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng.

    Trên cơ sở kết luận thanh tra, NHNN đã có phương án tái cơ cấu ngân hàng theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ) chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh, đại diện là Phạm Công Danh) và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án tái cơ cấu. Ngày 6/9/2012, NHNN có thông báo về việc chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank.

    Trên thực tế, trước khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý, từ ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh đã ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92\% cổ phần của Trustbank và các tài sản liên quan. Cũng kể từ thời điểm này, Phạm Công Danh đã đưa người vào tiếp quản, điều hành và tiến hành phương án tái cơ cấu Trustbank. Sau khi được NHNN chấp thuận, hai bên tiếp tục ký các hợp đồng và phụ lục hợp đồng về việc chuyển nhượng. Đến nay, các hợp đồng này chưa được thanh lý do hai bên chưa thực hiện xong nghĩa vụ.

    Tại tòa, khi HĐXX hỏi về tình trạng Trustbank, bị cáo Danh nói là sau khi vào tiếp quản mới thật sự thấy ngân hàng này luôn trong "tình trạng cấp cứu đặc biệt". Thời điểm ấy, một khách hàng rút vài chục tỷ đồng, cả hệ thống phải gồng mình, đôi khi bị cáo phải bỏ tiền túi ra trả cho khách.

    Trước đó, bị cáo Danh thừa nhận đã gặp gỡ, trao đổi với nhóm Phú Mỹ trước khi NHNN có thông báo chấp thuận chủ trương tái cơ cấu.

    Lý giải về lý do muốn tiếp cận, tham gia tái cơ cấu Trustbank, bị cáo Danh khai: "Tôi đã có ý định thành lập một ngân hàng, theo tôi ở những nước phát triển thì cũng có những ngân hàng riêng biệt hoạt động rất tốt. Tôi mong muốn xây dựng một ngân hàng riêng nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng. Lúc này tôi mới tìm gặp bà Hứa Thị Phấn người đang tiếp quản ngân hàng Đại Tín", Danh giải thích.

    uy nhiên, Danh khai quen biết bà Phấn thông qua ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, đang bị tạm giam trong một vụ án khác). Bị cáo nói theo thông tin lúc này, ông Thắm đang cơ cấu lại Trustbank để nhập vào Ngân hàng Đại Dương. Danh cho rằng thực tế ông Thắm đã tiếp quản Trustbank nhưng do Ngân hàng Đại Dương lúc này cũng trong tình trạng yếu kém, không thể lặp lại việc một nhóm tư nhân sở hữu 2 ngân hàng yếu kém nên NHNN không chấp thuận.

    Sau đó, mọi giao dịch Danh đều làm việc với ông Hà Văn Thắm, bị cáo không biết bà Phấn là ai. Bị cáo cũng khai lúc đầu ông Thắm đòi 1.000 tỷ đồng nhưng sau đó hạ xuống 500 tỷ đồng, ông Thắm nói đây là tiền ông đã chi để chăm sóc khách hàng. Bị cáo đã đưa cho ông Thắm khoản tiền này để có cơ hội tham gia tái cơ cấu Trustbank.

    Bị cáo Danh cũng khai sau khi tiếp nhận ngân hàng bị cáo phải trả những khoản tiền rất lớn chi chăm sóc khách hàng do ông Thắm để lại từ tất cả các chi nhánh. "Bị cáo là người trực tiếp chi trả tất cả con số quá lớn do sức khỏe trí nhớ nên bị cáo không nhớ một con số cụ thể, không có giấy tờ", ông Danh khai.

    Khi tòa hỏi tại sao trong danh sách nhóm cổ đông mới nhiều người không có khả năng tài chính, năng lực nhưng vẫn được đưa vào danh sách cổ đông? "Tôi hết sức cảm ơn HĐXX đã hỏi câu hỏi này. Vì tôi nghĩ rằng tôi dựa vào tiền và tài sản bất động sản của mình tôi sẽ vực ngân hàng dậy. Tôi đưa vào để đủ thủ tục, tôi cũng xin lỗi những người tôi đưa tên vào danh sách làm ảnh hưởng đến họ", ông Danh phân trần

    NINH LAN(Tổng hợp)
    Nguồn nguoiduatin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-an-9000-ty-dong-he-lo-nhieu-thong-tin-quan-trong-sau-9-ngay-lam-viec-a141797.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan