Những chiếc xe đã tháo bỏ hết các bộ phận trơ khung sắt, phóng bạt mạng. Do bị thay đổi hình dạng, kết cấu không đảm bảo an toàn, nhiều người sử dụng đã thiệt mạng vì xe độ chế.
Những xe "đặc chủng" không tên, không số
Nhắc đến địa danh Tây Nguyên chắc hẳn trong suy nghĩ của rất nhiều người, đó là rừng núi xanh tươi bạt ngàn, muông thú tự do sinh sống. Tuy nhiên, giờ đây, Tây Nguyên đã khiến người ta phải lắc đầu, ngao ngán bởi thực trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Cuộc sống khó khăn, vất vả, mùa màng thất bát khiến những người dân bản địa vốn thật thà, lương thiện, trở thành "lâm tặc" bất đắc dĩ. Họ phải vào tận rừng sâu, lén lút cưa hạ gỗ rừng trái phép chở về bán cho đầu nậu với giá rẻ mạt. Để có thể luồn lách qua những cung đường quanh co, gập ghềnh sỏi đá có những chỗ dốc cao dựng đứng, họ đã cải biến xe máy thông thường thành xe "đặc chủng".
Sở dĩ gọi là xe "đặc chủng" hay như dân bản địa thường gọi "ngựa sắt", bởi xe chỉ còn trơ bộ khung sắt, được xoáy nòng, độn nhíp, tải trọng lớn, lực đẩy mạnh gấp bội, có thể vượt qua mọi địa hình đồi núi. Thế nhưng, nhiều người đã thiệt mạng vì những chiếc xe không tên, không số này. Mới đây, tại huyện Chư Prông (Gia Lai) có thêm 1 trường hợp gặp nạn tử vong khi điều khiển "ngựa sắt" trên đường chở gỗ từ rừng ra.
Tại vùng sâu, vùng xa nơi người dân địa phương sinh sống, không khó để bắt gặp những con "ngựa sắt" phóng bạt mạng trên đường, tiếng nẹt pô inh ỏi nhả khói đen nghi ngút như muốn xé toạc không gian. Đặc biệt, tại các ngôi làng giáp cửa rừng hầu như gia đình nào cũng sở hữu những chiếc xe như thế. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi hầu hết nương rẫy của người dân nơi đây đều nằm sâu bên trong rừng. Đường vào quanh co, dốc đứng chỉ có những chiếc xe sắt mới giúp họ rút ngắn được thời gian.
Đây cũng chính là vấn đề nan giải mà các cơ quan quản lý bảo vệ rừng khó kiểm soát. Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, ông Trương Quốc Dụng - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) - cho biết: "Tại khu vực này, hầu hết nương rẫy của người địa phương đều nằm trong khu vực rừng. Hằng ngày, họ điều khiển xe lên rẫy canh tác, mình không thể xử lý, ngăn chặn được. Chỉ khi nào phát hiện được trên xe họ chở gỗ mới có thẩm quyền bắt giữ. Đối với các phương tiện xe máy độ chế, khi phát hiện chở gỗ phi pháp, Hạt tiến hành bắt giữ, tịch thu tang vật và cả phương tiện".
Những chiếc xe độ chế sau khi bị tịch thu được tiến hành đập bỏ bán phế liệu. |
Khó xử lý triệt để
Ông Dụng cho biết thêm: "Trong năm 2019, Hạt phát hiện tịch thu 65 xe máy độ chế chở gỗ phi pháp. Từ đầu năm 2020 đến nay phát hiện, xử lý, tịch thu 17 phương tiện xe máy độ chế. Hầu hết phương tiện bị tịch thu đều không có giấy tờ, không rõ xuất xứ. Để xử lý triệt để tình trạng người dân sử dụng phương tiện xe độ chế chở gỗ là rất khó khăn. Bởi những năm gần đây, mùa màng thất bát, giá nông sản xuống dốc khiến cuộc sống người dân rất khó khăn. Nhiều khi họ nói lên rẫy canh tác, chiều về tranh thủ kiếm vài khúc gỗ chở về bán lấy tiền mua gạo, thực phẩm. Nhiều trường hợp lén lút khai thác gỗ trái phép, chờ nửa đêm vận chuyển ra khỏi rừng. Trong khi đó, địa bàn rừng rộng lớn, ngõ ngách nhiều, lực lượng kiểm lâm lại mỏng không thể nào kiểm soát hết được".
Trao đổi với PV, một cán bộ Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Pa cho biết: "Những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp người tham gia giao thông điều khiển phương tiện xe máy độ chế. Hầu hết, những xe bị bắt giữ, số khung số máy bị đục, không có giấy tờ liên quan. Tại huyện Krông Pa, đa phần người dân địa phương sử dụng xe độ chế phục vụ việc đi lên nương, lên rẫy. Nhiều trường hợp sử dụng lưu thông trên đường khi bị lực lượng kiểm tra thì chủ phương tiện bỏ lại xe, rời đi.
Với những xe độ chế kết cấu bị thay đổi, không đảm bảo nguyên tắc an toàn, không đủ tiêu chuẩn để tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Để xử lý thực trạng này, lược lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, cán bộ đơn vị đến các địa điểm sửa chữa xe máy đề nghị chủ các cơ sở cam kết không tiến hành độ chế, thay đổi kết cấu xe cho bất kỳ trường hợp nào".
Ở một diễn biến khác, ngày 14/9, tại địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) xảy ra trường hợp người đàn ông điều khiển xe máy độ chế chở gỗ từ rừng ra gặp tai nạn tử vong. PV liên hệ với ông Trương Văn Thắng - Hạt trưởng Kiểm lâm - tìm hiểu thông tin về vụ việc này. Ông Thắng cho biết: "Trường hợp người đàn ông tử vong trong khi chở gỗ hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xác minh. Tuy nhiên, đây là bài học xương máu cho những người khác, chỉ vì khúc gỗ phải đánh đổi cả mạng sống quả là một giá rất đắt.
Về việc người địa phương sử dụng những chiếc xe máy độ chế lên rừng lén lút khai thác gỗ chở về, thời gian qua lực lượng kiểm lâm của Hạt quyết liệt, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp. Từ đầu năm đến nay, Hạt phát hiện thu giữ 21 phương tiện là xe máy độ chế thu giữ 5m3 gỗ (nhóm 1-6). Thực sự, để ngăn chặn triệt để thực trạng người địa phương vào rừng khai thác gỗ, lén lút dùng xe máy độ chế chở đi trong đêm là rất khó. Chủ yếu mình thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức người dân là chính".
Trao đổi với PV, một cán bộ ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai nhận định: "Việc sử dụng xe máy độ chế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, không chỉ đối với người điều khiển phương tiện và còn đối với những người tham gia giao thông khác. Bởi những xe độ chế, như các xe sắt nói trên đã bị thay đổi kết cấu, thay hình đổi dạng, các thông số kỹ thuật, đảm bảo an toàn không còn. Cơ quan chức năng Gia Lai luôn xác định, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”. |
Hồ Nam
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ CN (38)