Lãi suất tiết kiệm đã không ngừng tăng kể từ đầu tháng 4 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số ngân hàng hiện nay thậm chí đã đưa ra mức lãi suất huy động trên 6%/năm cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất cũng khá hấp dẫn, dao động từ 4-5%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng và từ 2-4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Sự phục hồi của lãi suất tiết kiệm đã thúc đẩy lượng tiền gửi vào các ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tình trạng tăng trưởng âm của tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng trong tháng 1 đã dần được cải thiện nhờ vào việc tăng lãi suất huy động.
Nếu như tháng 2 tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,6% thì tháng 5 đã tăng lên mức 2,8%. Mới đây nhất, số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
8 ngân hàng có mốc lãi suất trên mốc 6%
Theo báo Lao Động, lãi suất PVcomBank hiện ở mức cao nhất thị trường, lên đến 9,5% cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng.
Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.
Ngân hàng Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm.
NCB, OceanBank và Cake by VPBank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng.
OCB áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng; ABBank và Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6% cho kỳ hạn 12 tháng; BVBank, VRB cũng áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 24 tháng và 12 tháng; SaigonBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng, mức 6,1% cho kỳ hạn 36 tháng.
So sánh lãi suất ngân hàng cao nhất, thấp nhất ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, theo khảo sát lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 3 tháng là 4,2% của Cake by VPBank. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng thấp nhất kỳ hạn 3 tháng là 1,9% của Vietcombank và SCB. Chênh lệch lãi suất cao nhất và thấp nhất ở kỳ hạn 3 tháng khá lớn, lên tới 2,3%.
Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 6 tháng là 5,5%, thuộc về ngân hàng Cake by VPBank. Mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này là 2,9% của Vietcombank và SCB. Khoảng cách chênh lệch lãi suất cao nhất và thấp nhất ở kỳ hạn 6 tháng là 2,6%.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, PVcomBank đột phá với mức lãi suất ở mức 9,5%, cao hơn nhiều so với mức cao nhất trên 5% của một số ngân hàng khác. Trong khi đó, SCB có lãi suất thấp nhất kỳ hạn này, ở mức 3,7%, tạo nên khoảng chênh lên tới 5,8%.
Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất là 6,1% của NCB, Cake by VPBank và OceanBank. Mức lãi suất thấp nhất là 3,9% và SCB. Khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cao nhất và thấp nhất ở kỳ hạn 24 tháng là 2,2%.
4 ngân hàng quốc doanh dẫn đầu về việc thu hút tiền gửi tiết kiệm
Agribank đến cuối tháng 6 đang có hơn 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng thêm khoảng 17.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,9% so với cuối năm 2023. Đầu tháng 8, Agribank đã nâng lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng Agribank 4,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.
BIDV có tổng lượng tiền gửi đạt gần 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 102.300 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với cuối năm 2023. Tại VietinBank, số dư tiền gửi đến hết tháng 6 đạt gần 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%, tương ứng tăng 56.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Duy chỉ có Vietcombank có tổng tiền gửi giảm 1,5% so với cuối năm 2023, đạt 1,37 triệu tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, MB ghi nhận nhiều tiền gửi nhất với số dư đạt hơn 618.617 tỷ đồng, tăng 9% so cuối năm ngoái. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Sacombank, ACB, Techcombank...
Đáng chú ý, tiền gửi tại LPBank tăng 21,4% trong nửa đầu năm, tương đương tăng thêm 50.700 tỷ đồng so cuối năm 2023. Tổng tiền gửi của MSB ghi nhận mức tăng gần 14,7%, tương ứng thu hút thêm 19.400 tỷ đồng; OCB có mức tăng trưởng tiền gửi 12,4%, tăng 15.600 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế nói gì?
Báo Tiền Phong dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ ba yếu tố: Lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì mức tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Bởi việc giữ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Vì thế, lãi suất cho vay được nhận định sẽ tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới.
Theo các chuyên gia, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục (đến cuối tháng 6 tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 6%) khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tín phiếu, bán ngoại tệ giảm áp lực lên tỷ giá cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng, đẩy lãi suất tăng.