+Aa-
    Zalo

    Cứu cụ ông 86 tuổi ở Thanh Hóa ngừng tim, ngừng thở ngoại viện

    (ĐS&PL) - Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị đau tức ngực trái tăng dần và khó thở. Khi gần đến bệnh viện, ông đột ngột bất tỉnh, ngừng tim và ngừng thở.

    Báo Công lý đưa tin, bệnh nhân là ông L.T. T (trú tại Thanh Thủy, Nghi Sơn) có tiền sử bệnh nhồi máu cơ tim, đã được đặt một stent động mạch vành cách đây 12 năm. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân cảm thấy đau tức ngực trái từng cơn tăng dần, kèm theo khó thở. Sau đó ông T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu. Khi đang trên đường di chuyển gần tới Bệnh viện (cách 6km) thì bệnh nhân đột ngột mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở.

    Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau khi ra viện. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau khi ra viện. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

    Ngay khi vào đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân đã được các y bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực: sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp…

    Sau hơn 30 phút liên tục nỗ lực cấp cứu hồi sinh tim phổi, tim bệnh nhân đập lại, tuần hoàn được tái lập, nhưng tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch: hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt phải duy trì 3 loại thuốc vận mạch liều cao và phải thở máy.

    Qua hội chẩn đây là trường hợp rất nguy kịch, nguyên nhân cao do nhồi máu cơ tim gây ngừng tim, kèm theo bệnh lý nền phức tạp. Do thời gian ngừng tim trước khi đến viện kéo dài (khoảng 10 phút) nên tiên lượng di chứng do tổn thương não để lại sẽ rất nặng nề nếu không được hạ thân nhiệt chỉ huy sớm. 

    Bệnh nhân được áp dụng các kỹ thuật hồi sức tích cực chuyên sâu và hạ thân nhiệt chỉ huy bảo vệ não. Sau 37 ngày nằm viện, sức khỏe ông T. hồi phục một cách thần kỳ và được ra viện.

    Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim trên 5 phút mới được phát hiện và cấp cứu hầu hết sẽ tử vong. Một số ít được cứu sống vẫn sẽ phải đối mặt với các di chứng tổn thương não hết sức nặng nề như co giật, mất trí nhớ, nặng hơn là hôn mê sống đời sống thực vật. 

    "Để người bệnh có nhiều cơ hội sống, đặc biệt là phục hồi ý thức và các chức năng vận động, "hạ thân nhiệt chỉ huy" chính là một kỹ thuật tiên tiến trong điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương thần kinh cho người bệnh sau ngừng tuần hoàn", bác sĩ Đỗ Minh Thái cho biết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cuu-cu-ong-86-tuoi-o-thanh-hoa-ngung-tim-ngung-tho-ngoai-vien-a461602.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan