(ĐSPL) - Yêu đơn phương, không được người con gái đáp trả, Nguyễn Đăng Thành đã mù quáng đâm chết người tình trong mộng.
Theo báo Công lý, ngày 11/12, TAND TP.HCM đưa vụ án Nguyễn Đăng Thành (sinh năm 1981, quê ở huyện An Nhơn, Bình Định) ra xét xử về tội “Giết người”.
Nguyễn Đăng Thành tại phiên tòa - Ảnh: báo Công lý |
Như báo Pháp luật Việt Nam đưa tin trước đó, năm 2004, Thành có quen biết với chị Vũ Hoàng Dung. Đến năm 2010, Thành đơn phương có tình cảm với chị Dung, nhưng không được chị Dung đáp lại. Ghen ghét, thù tức, nghi ngờ chị Dung có bạn trai làm cùng công ty nên Thành đã có lần đến tận công ty để gây sự, đánh người mà Thành cho là “tình địch” của mình. Tuy nhiên, những lần đó đều được can ngăn kịp thời.
Khoảng 10h ngày 27/2/2011, Thành thủ dao chạy xe máy tới nhà chị Dung nói chuyện. Tới nơi, Thành không vào nhà mà đứng cách cổng nhà chị Dung khoảng mấy căn để quan sát. Thấy chị Dung đi từ trên lầu xuống sân nói chuyện với một người đàn ông, Thành càng ghen.
Khi người đàn ông đó đi về, Thành liền chạy tới nói chuyện với chị Dung, nhưng chị Dung bỏ lên nhà. Thành chộp lấy tay chị Dung níu lại, rồi rút dao đâm chị Dung…
Đâm gục “người trong mộng”, Thành lên xe chạy về phòng trọ tắm rửa, thay quần áo rồi tới nhà anh trai ở quận Gò Vấp chơi. Sau đó Thành đi thuê khách sạn ngủ. Ngày hôm sau, khi Thành mò về nhà anh trai xin tiền bỏ trốn thì bị nhà chức trách bắt giữ.
Về phía nạn nhân, do vết thương quá nặng nên đã tử vong trước lúc tới bệnh viện.
Cũng theo báo Công lý, đáng lưu ý tại phiên tòa lần này, gia đình nạn nhân vắng mặt vì Tòa đã không triệu tập.
“Thật ra gia đình có biết mở phiên tòa, nhưng mà biết qua điện thoại, đó là lý do gia đình nạn nhân đã không dự tòa” – Luật sư phía bị hại nói.
Dù thiếu vắng gia đình nạn nhân, HĐXX vẫn cho phiên xử tiếp tục, mãi đến khi thấy sự vắng mặt này khó đảm bảo đến phán quyết phiên tòa, HĐXX mới tạm ngưng, nhằm triệu tập phía gia đình nạn nhân.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)