Edward Snowden đã thực hiện một cuộc “trốn chạy” khỏi sự truy đuổi của luật pháp Mỹ bằng cách tìm đến các nước sẵn sàng chấp nhận mình như là một người tị nạn chính trị.
Lật lại 1 chút về cái tên “kẻ phản bội nước Mỹ” mà người ta đã gán cho Edward Snowden.
Snowden, 29 tuổi, là 1 cựu nhân viên kỹ thuật làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Ngày 20/05/2013, Snowden đã chạy trốn khỏi nước Mỹ tới Hong Kong, sau khi công bố một loạt các tài liệu tuyệt mật của chính phủ nước này với hai tờ báo lớn The Guardian và Washington Post. Anh tiết lộ phần mềm theo dõi lén, mang tên PRISM của NSA, FBI và các hãng công nghệ lớn, nhằm thu thập thông tin người sử dụng Internet trái phép, dưới danh nghĩa “ngăn chặn khủng bố”.
Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Ảnh: BBC News/ AFP. |
Theo The Telegraph, Edward Snowden cho biết rằng anh nhận thức rõ được hậu quả khi thực hiện hành vi đó. Anh lo gia đình sẽ bị liên lụy, nhưng với 1 chàng trai trẻ như Snowden thì lý tưởng sống là điều quan trọng. Anh không thể chịu đựng được khi tất cả những gì mình nói và làm đều bị ghi lại và kiểm soát. Anh nhấn mạnh thêm rằng càng không thể để cho chính phủ Mỹ phá hủy quyền riêng tư, tự do Internet và các quyền tự do cơ bản của công dân toàn thế giới bằng cỗ máy giám sát bí mật họ đang xây dựng mà không có sự giám sát của chính người dân.
Vài ngày, ngay sau khi những thông tin thu được từ Snowden được công bố rộng khắp thế giới, anh đã bị Washington săn đuổi với 2 tội danh ăn cắp và tiết lộ bí mật quốc gia.
Edward Snowden nổi lên như một hiện tượng khi thực hiện một cuộc trốn chạy khỏi sự truy đuổi của luật pháp Mỹ bằng cách tìm đến các nước sẵn sàng chấp nhận mình như là một người tị nạn chính trị.
Trong suốt thời gian đó, không có đáp án chính xác cho câu hỏi Snowden đã ở đâu và làm gì? Rất ít, hầu như không một ai đã nhìn thấy anh ta kể từ khi bị chính phủ Mỹ hủy hộ chiếu. Những người quanh sân bay Sheremetyevo, Moscow, nơi anh ta mắc kẹt hơn 5 tuần trong thời gian chờ đợi tư cách tị nạn chính trị từ Nga cũng khẳng định không hề nhìn thấy bóng dáng của cựu tình báo Mỹ này.
Luật sư riêng của Edward Snowden, Anatoly Kucherena công khai giấy tờ mà Nga cấp cho thân chủ của mình. Ảnh: The Telegraph/ AP. |
Mới đây, luật sư riêng của Edward Snowden, Anatoly Kucherena tiết lộ anh đã sống tại một địa điểm bí mật ở Nga với sự bảo vệ của tình báo Moscow hơn 4 năm qua và hiện đã đủ điều kiện nộp đơn xin nhập quốc tịch tại Nga.
Moscow cũng khẳng định sẽ không dẫn độ Snowden về Mỹ dù quan hệ hai nước có được cải thiện hơn dưới thời Tổng thống Trump.
Cho đến nay, Edward Snowden đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của nước Mỹ. Anh có cuộc sống mới với giấy tờ tị nạn có hiệu lực 12 tháng và có thể gia hạn hàng năm.
HẢI ANH ( Theo BBC News/ The Telegraph).