Núp bóng “công ty tài chính” để đối phó cơ quan chức năng
Như Đời sống & Pháp luật đã đưa tin, vào cuối tháng 12/2021, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An triệt phá đường dây cho vay tín dụng của Công ty tài chính Tân Tín Đạt (trụ sở chính tại Tp. Vinh) được chuyển đổi mô hình hoạt động từ dịch vụ cầm đồ sang “công ty tài chính”. Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét các cơ sở kinh doanh của công ty này, bắt giữ 52 đối tượng liên quan.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra xác định số tiền giao dịch qua đường dây cho vay nặng lãi này là hơn 1.000 tỷ đồng, với hơn 10.000 bị hại trên địa bàn 28 tỉnh thành, mức lãi suất cao nhất là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm.
Đi sâu mở rộng điều tra, đường dây cho vay nặng lãi được điều hành bởi Công ty tài chính Tân Tín Đạt hoạt động khá tinh vi. Theo nội dung trên Fanpage “Tân Tín Đạt - Tài chính cá nhân”, doanh nghiệp này tự giới thiệu là “Công ty đi đầu về ý tưởng dịch vụ Cho vay tiền bằng đăng ký xe với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ nhiều năm qua”.
Theo cơ quan Công an tỉnh Nghệ An, thủ đoạn cho vay của đường dây tín dụng đen này cũng tương tự hình thức cầm đồ. Theo đó, khách hàng muốn vay tiền phải thế chấp bằng chứng minh nhân dân và đăng ký xe. Họ tự quảng bá bằng slogan “Tiền trao tay, xe vẫn chạy”.
Trao đổi với PV, một điều tra viên của Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Mặc dù họ nói thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập, nhưng thực tế không phải ai cũng vay được tiền. Để vay được tiền, phải là người địa phương, có giấy tờ xe chính chủ, và được phía đường dây tín dụng đen điều tra kỹ về thân nhân trước khi “xuống tiền”.
Các tổ chức tín dụng đen có nhiều biện pháp tinh vi để đối phó cơ quan chức năng như trong hợp đồng vay mượn tiền không ghi mức lãi suất, lãi suất chỉ được thỏa thuận bằng miệng, “ngắt” lãi trước.
Cụ thể, trong hồ sơ ghi cho vay 100 triệu nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 80 triệu, đến hạn phải trả đủ 100 triệu. Một số tổ chức còn làm hai hợp đồng, một hợp đồng không ghi lãi suất hoặc ghi ở mức thấp nhằm đối phó cơ quan chức năng, một hợp đồng ghi lãi suất thực tế thỏa thuận. Do đó, việc điều tra, phá án gặp rất nhiều khó khăn”.
Cảnh báo dịch vụ cầm đồ chuyển đổi thành công ty tài chính
Theo tài liệu của ban chuyên án, trong vòng 5 năm, đường dây tín dụng đen núp bóng công ty tài chính này đã có 57 chi nhánh ở 28 tỉnh thành với hàng trăm nhân viên. Bên cạnh đó, tại các địa phương có nhiều công ty tài chính được thành lập, trong đó có nhiều công ty được thành lập trên cơ sở các tiệm, tổ chức cầm đồ.
Lý giải về hiện tượng nói trên, các điều tra viên của ban chuyên án cho biết: “Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận thấy thời gian qua số lượng các tiệm cầm đồ giảm một cách bất thường, nhưng cùng với đó là sự gia tăng về số lượng của các công ty dịch vụ tài chính, chủ yếu thực hiện cầm cố, cho vay nặng lãi. Dịch vụ cầm đồ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thủ tục thành lập và điều kiện hoạt động khắt khe, kèm theo việc thường xuyên bị kiểm tra, giám sát; trong khi công ty tài chính thành lập theo Luật Các tổ chức tín dụng có nhiều yếu tố thông thoáng hơn”.
Trao đổi với PV, luật sư Ngô Quang Kim - Trưởng Văn phòng Luật 4.1 & cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Công ty tài chính là một hình thức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được thành lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thực hiện một số hoạt động ngân hàng (trừ nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng). Nên khi chuyên án được phá, lộ ra khoảng tối của tín dụng đen sẵn sàng lách luật, lập công ty cho vay lãi cao rất tinh vi để đối phó cơ quan chức năng như trong hợp đồng vay mượn tiền không ghi mức lãi suất, lãi suất chỉ được thỏa thuận bằng miệng. Qua đây, cơ quan chức năng cần có biện pháp thắt chặt quản lý, tránh hiện tượng người dân rơi vào cảnh tán gia bại sản”.
Hoàng Phương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp Luật số thứ Bảy (7)