Trong thời điểm chuyển giao quyền lực sau thời kỳ ông trùm sòng bạc Năm Cam, ở vùng ven Sài Gòn có một cuộc chiến khốc liệt giữa các băng nhóm giang hồ.
Kỳ 1: Minh “đen” lần đầu tiết lộ con đường thành ông trùm
Để tồn tại, giữ vững địa thế, địa vị và xưng hùng xưng bá ở mảnh đất màu mỡ, nhiều bằng nhóm tội phạm đã bắt đầu đưa ra những điều luật, hay nói cách khác là “luật ngầm” nhằm giành chỗ đứng. Những tay giang hồ cộm cán như Mười “thu”, Minh “đen”, Tuấn “chó”, Sáu “thế” là điển hình cho sự liên minh ma quỷ ở vùng “Tam giác đen” một thời.
Điểm mặt “bố già” ở “Tam giác đen” một thủa
Sự phân chia lãnh địa, quyền lực hoạt động ở khu vực “Tam giác đen” được các tay giang hồ có số má định rõ. Ở vùng đất này đã từng nổi lên hàng loạt tay giang hồ cộm cán, có số má, đã khẳng định được bản chất liều lĩnh, gan lì, vươn lên thống lĩnh các băng đảng khác. Khi lật giở lại từng tập hồ sơ, tài liệu tội phạm của bọn chúng, người ta mới thấy rõ được quá trình thành lập băng nhóm, thống lĩnh giang hồ của đối tượng đầy rẫy mưu ma chước quỷ.
Điển hình nhất trong sự “liên minh” phải kể đến đại ca Nguyễn Trọng Mười ( tức Mười “thu”, SN 1978, ngụ 95/25A, khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, Dĩ An; quê huyện Đô Lương, Nghệ An). Mười “thu” cũng là tay giang hồ máu mặt được biết đến nhiều bởi điều hành một đường dây giang hồ, chủ yếu là đồng hương, chuyên bảo kê nhà hàng, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi… Ngoài ra, Mười “thu” còn được chỉ mặt điểm tên như là đối tượng cộm cán điều hành băng đảng được coi là “lò sản xuất” ra nhiều đại ca có tiếng khu vực “Tam giác đen” TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Dưới trướng của Mười “thu” có hàng loạt đàn em thuộc diện máu mặt, mà mỗi khi nhắc đến, người dân sở tại đều sởn da gà. Bởi đám đàn em này cũng thuộc diện bất hảo, chém người không ghê tay. Những đối tượng như: Nguyễn Duy Dũng (tức Dũng “cò”, SN 1975, ngụ Nghệ An).
“Ông trùm” Mười “Thu” là người khởi xướng điều luật kỳ lạ vùng “Tam giác đen” một thời |
Lĩnh vực hoạt động chính của băng này là chuyên bắt cò xe vận tải hành khách đường dài Bắc – Nam, kiêm trấn lột, thu tiền bảo kê các nhà hàng karaoke có chứa gái hoặc nhà hàng ăn uống, quán cà phê và trộm xe máy hay Lê Văn Phi (tức Phi “đen”, SN1986, quê Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An); Vũ Đức Tuấn (tự Tuấn “chó”), SN 1978, ngụ huyện Tân Kỳ, Nghệ An, một tên trùm cầm đầu đường dây chuyên trộm chó, sau này ngoi lên thành ông trùm ở “Tam giác đen”; Nguyễn Văn Minh (tự Minh “đen”, SN 1981, ngụ xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Gã giang hồ này đã cùng hàng chục đàn em làm mưa làm gió ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TPHCM; Trần Văn Thạo ( tức “Thảo ma” SN 1983, ngụ phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Mặc dù chưa tới 30 tuổi, nhưng sau khi từ Hưng Yên đặt chân vào miền Nam sinh sống cách đây vài năm, Thạo đã sớm thể hiện bản chất côn đồ, thành lập băng nhóm kiếm sống từ việc bảo kê, chém mướn, đòi nợ thuê hoặc Nguyễn Văn Năm (SN 1983, ngụ Bình Phước), đối tượng chuyên thu mua xe gắn máy do người khác phạm tội mà có để chuyển sang Campuchia tiêu thụ.
Tuy nhiên, trong các băng nhóm do mình cầm đầu, trước thời điểm bị sa lưới pháp luật, Mười “thu” được xếp vào diện chiếu trên, là nỗi khiếp sợ thật sự một thời của người dân sở tại và đám giang hồ. Dân giang hồ sợ Mười “thu” vì bản tính sát thủ máu lạnh là một phần, nhưng điều trong giới nể sợ hơn chính là những ngón đòn thâm hiểm, tàn độc, âm mưu xảo quyệt, sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu của đại ca này. Trong bản lý lịch trích ngang về cuộc đời của Mười “thu”, giới giang hồ chỉ biết hắn sinh ở một huyện vùng núi thuộc tỉnh Nghệ An. Hơn 10 năm trước, hắn rời quê hương vào miền Nam cùng đám bạn, lăn lộn làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Điều luật kỳ lạ của giang hồ “tam giác đen”
Khu công nghiệp Sóng Thần từng là nơi tranh giành lãnh địa khốc liệt của các nhóm tội phạm. |
Cuộc sống mưu sinh ở các khu công nghiệp với đồng thu nhập bèo bọt khiến Mười “thu” luôn đau đáu tìm mọi cách thoát khỏi cảnh sống bần hàn. Với số tiền ít ỏi tích cóp được, hắn lân la tới các quán nhậu lai rai, nhằm mục đích để nghiên cứu cách làm giàu. Những ngày giam mình trong quán nhậu, hắn bất ngờ phát hiện ra nguồn thu bất tận từ việc “đá nóng” xe (trộm xe) của công nhân. Bỏ thêm nhiều ngày quan sát, hắn tìm được điểm chung là đa số công nhân thường rất chủ quan khi không thèm rút chìa khóa lúc dừng lại mua đồ, hay sẵn sàng nhậu nhẹt và nói chuyện với đồng hương quên cả tài sản. Hơn nữa ở một số quán nhậu, cà phê bình dân, “thượng đế” thường phải kiêm luôn công việc bảo vệ xe. Phát hiện bất ngờ khiến đời hắn rẽ sang một hướng mới, là tiền đề tạo dựng danh tiếng Mười “thu” sau này. Dù rất muốn sở hữu nguyên miếng bánh, nhưng hắn biết một mình không thể làm “nên cơm nên cháo” nên đành chia sẻ ý tưởng trên với một số đồng nghiệp, đồng hương cùng “chí hướng”. Sau mỗi phi vụ thành công, số tiền kiếm được sau mỗi phi vụ, hắn không vung tay trác táng như đồng bọn mà gom góp kiếm lời bằng cách cho vay nặng lãi.
Để có được lãi khủng, hắn bỏ công tìm kiếm những “con mồi” có tài sản và có khả năng vỡ nợ cao. Tài sản hắn nhắm tới thường là nhà, đất, xe cộ; khách hàng là các đối tượng nghiện bài bạc, nghiện hút. Để chắc thắng, hắn không ngại cho đàn em làm mồi nhử lôi kéo “con mồi” lún sâu vào tệ nạn. Khi khách hàng khánh kiệt, hắn chỉ việc ngồi chờ đến hạn trả tiền là kéo quân đi siết nợ. Chỉ trong vòng 4 năm hoạt động (từ năm 2002 đến năm 2006 – PV), bằng thủ đoạn này, Mười “thu” bắt đầu được xem như tay anh chị có “số má” vùng “tam giác đen” trong lĩnh vực “đá xe” và cho vay nặng lãi. Có chút tiếng tăm, vốn liếng, hắn nghĩ tới việc mở rộng lĩnh vực làm ăn như bảo kê, đòi nợ thuê, kinh doanh bất động sản… Muốn vậy, việc đầu tiên tay anh chị này phải làm là tuyển chọn đám tay sai sẵn sàng xả thân vì đại ca.
Ngoài những tên gắn bó từ ngày đầu khởi nghiệp, đệ tử sau này của Mười “thu” nhất thiết phải có “gốc gác” xứ Nghệ hoặc ít nhất cũng phải có mối liên hệ với miền đất này, sau đó mới xét tới tố chất giang hồ. Sở dĩ, Mười “thu” luôn chọn đồng hương vì theo nhiều tay giang hồ, thì chất “chiến đấu” của người dân Nghệ An cao hơn, lì lợm hơn và luôn thể hiện sự trung thành, luôn sống theo chất nghĩa khí của bậc quân tử. Vì thế, hắn cũng chỉ tin tưởng và giao trọng trách cho đồng hương xử lý các vụ việc. Đây cũng chính là điều luật kỳ lạ nhất mà băng nhóm Mười “thu” luôn lấy làm “kim chỉ nam” để hoạt động. Dưới tay hắn là những đệ tử nổi tiếng “khát máu” như Tuấn “chó” chuyên thu nạp đệ tử biết ăn trộm… chó, Phi “đen…cùng quê Nghệ An, luôn sẵn sàng vác dao lên đường mỗi khi cần.
Một số hung khí của băng nhóm do Mười “Thu” cầm đầu bị công an thu giữ |
Một thời tung hoành ngang dọc chốn giang hồ ở vùng “Tam giác đen”, Mười “thu”, Tuấn “chó”, Phi “đen”, Minh “đen”… đã tạo cho người dân và các băng đảng giang hồ khác nỗi khiếp đảm bởi thói hung tàn và hành động máu lạnh. Mỗi khi hành động, băng nhóm này luôn mang theo “hàng nóng” như súng, đao kiếm, mã tấu… Đồng thời, khi đã truy sát đối tượng nào, thì nhóm Mười “thu” quyết tận diệt đến cùng. Mỗi băng nhóm ở khu vực “Tam giác đen”, hoạt động rộng rãi với đủ hình thức như bảo kê, đòi nợ, chém mướn, trộm xe… gây ra bao nỗi hoang mang, khiếp sợ đối với người dân. Đặc biệt, tại những nhà hàng, quán cà phê, mỗi khi các băng nhóm đến đòi tiền bảo kê đều ngay tắp lự nộp phạt đầy đủ, không dám chống cự. Tuy nhiên, cũng chính vì đây là mảnh đất màu mỡ, dễ kiếm tiền, dễ thống lĩnh quyền lực giang hồ, nên ngay từ trong các băng đảng bắt đầu hình thành sự phân chia quyền lực. Đặc biệt là từ băng Mười “thu”, sự đấu đá, tranh giành lợi nhuận được hình thành rõ rệt nhất.
Dưới sự dẫn dắt của Mười “Thu”, băng đảng này bề ngoài có vẻ “sóng yên biển lặng” nhưng thực chất bên trong sóng ngầm không ngừng nổi lên. Kẻ có chút “máu mặt” luôn tìm cách thoát khỏi sự kìm tỏa của đại ca nổi tiếng keo kiệt. Trong đó, Phi “đen” là đối tượng ra mặt chống đối nhiều nhất. Sau này khi tách ra thành lập băng nhóm riêng, chính Phi “đen” trở thành đối trọng lớn nhất của Mười “thu”, và đỉnh điểm của những mâu thuẫn ấy chính là cuộc gọi đàn em bằng mọi giá phải thanh trừng “cái gai” Mười “thu” trong mắt của mình. Từ đây, ông trùm Mười “thu”, một thời từng tự hào là không có kẻ nào dám “sờ đến chân lông”, bất ngờ yếu thế, rơi vào các cuộc trốn chạy.
Khi Mười “thu” bị đàn em “điểm huyệt” bởi chính đàn em đồng hương của mình ra tay truy sát, ngay lập tức nhiều băng nhóm giang hồ khác vội chớp thời cơ soán ngôi. Từ thời điểm đó, ở vùng đất “tam giác đen” một thời, các cuộc chiến ngầm giữa các băng nhóm xảy ra không ngừng. Thậm chí, trong hồ sơ của CQĐT từng lưu nhiều bút tích về các cuộc hỗn chiến của các băng nhóm gây ra.
Mời độc giả đón đọc kỳ tới vào 6h sáng ngày mai: Chuyện tình li kỳ và nỗi ân hận của Minh “đen”
Hữu Huỳnh