Vào ngày Rằm tháng 7, các gia đình thường chuẩn bị hai mâm cỗ cúng: Một mâm cúng tổ tiên, một mâm cúng chúng sinh. Tuy nhiên, vẫn không ít người thắc mắc nên cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào, giờ nào là chuẩn nhất?
Các lễ vật cúng chúng sinh ngày Rằm tháng 7 - Ảnh: Minh họa |
Rằm tháng 7 năm 2020 là ngày nào?
Tháng tháng 7 Âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn. Như vậy, tháng cô hồn năm 2020 tính theo dương lịch là từ ngày 19/8 (tức 1/7 Âm lịch) đến hết ngày 16/9 (tức 29/7 Âm lịch). Ngày Rằm tháng 7 năm 2020 rơi vào thứ tư, ngày 2/9 dương lịch.
Cúng Rằm tháng 7 vào ngày nào?
Người xưa quan niệm rằng, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch là giới hạn của kỳ "mở cửa" Quỷ Môn Quan, sau ngày này, người cõi âm sẽ không thể nhận được đồ thờ cúng nữa nên: Từ ngày 2 tháng 7 Âm lịch là đã có thể cúng cô hồn.
Vậy để trả lời câu hỏi cúng Rằm tháng 7 năm 2020 ngày nào, giờ nào mới đúng, thì tùy từng gia đình, từng địa phương mà lễ cúng sẽ bắt đầu từ ngày mùng 2 cho tới trước 12h ngày 15 tháng 7. Tuy nhiên, tháng 7 này còn có lễ Vu Lan báo hiếu. Vì vậy nên làm lễ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên trước rồi mới cúng cô hồn.
Bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
1. Văn khấn thần linh theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy…….
Tín chủ chúng con là…..
Ngụ tại…….
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.
Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Rằm tháng 7 - Ảnh: Minh họa |
2. Văn khấn chúng sinh (cúng cô hồn) theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)
*Lưu ý: Khấn ngoài trời
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con lạy Đức Phật Di Đà
Con lạy Bồ Tát Quan Âm.
Con lạy Táo Phủ Thần Quân Chinh thần.
Tiết tháng 7 sắp thu phân
Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà
Âm cung mở cửa ngục ra
Vong linh không cửa không nhà
Đại Thánh Khảo giáo - A Nan Đà Tôn giả
Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương
Gốc cây xó chợ đầu đường
Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang
Quanh năm đói rét cơ hàn
Không manh áo mỏng - che làn heo may
Cô hồn nam, bắc, đông, tây
Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn
Nay nghe tín chủ thỉnh mời
Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau
Cơm canh cháo nẻ trầu cau
Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh
Gạo muối quả thực hoa đăng
Mang theo một chút để dành ngày mai
Phù hộ tín chủ lộc tài
An khang thịnh vượng hòa hài gia trung
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời
Bây giờ nhận hưởng xong rồi
Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần
Tín chủ thiêu hóa kim ngân
Cùng với quần áo đã được phân chia
Kính cáo Tôn thần
Chứng minh công đức
Cho tín chủ con
Tên là:………………………………
Vợ/Chồng:…………………………
Con trai:……………………………
Con gái:…………………………….
Ngụ tại:……………………………..
Quỳnh Chi(T/h)