+Aa-
    Zalo

    Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam lên tiếng về dự án liên tục chậm tiến độ

    (ĐS&PL) - Liên quan đến dự án thanh thải bãi đá ngầm tại Phú Thọ liên tục chậm tiến độ, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã có phản hồi và đưa ra lý do sự việc trên.

    Như Đời sống và Pháp luật đã thông tin trước đó, ngày 2/11/2022, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng và điều tiết đảm bảo giao thông phục vụ thi công công trình Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng năm 2022.

    Giá trúng thầu gói thầu bao gồm các loại thuế là 9.477.212.265 đồng (hơn 9,4 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 40 ngày.

    Sau khi kết thúc 40 ngày thi công như yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu đã có văn bản đề nghị gia hạn thời gian thực hiện thi công và thay đổi một số thiết bị theo hồ sơ dự thầu trước đó.

    Không lâu sau, phía Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã chấp thuận đề nghị trên đồng thời gia hạn thêm 51 ngày để thi công dự án. Phía chủ đầu tư cũng chấp thuận việc nhà thầu đưa một số thiết bị thay thế vào phục vụ thi công và yêu cầu các đơn vị liên quan chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

    Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm cuối tháng 5/2023, việc thi công vẫn “dậm chân tại chỗ”. Dự án xóa “điểm đen” trên dòng sông Hồng vẫn chưa thể thực hiện một cách triệt để, kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn cho sự an toàn của người và phương tiện trên tuyến đường thuỷ quan trọng này vẫn chưa được giải quyết.

    Gặp nhiều khó khăn do khảo sát chưa sát thực tế…

    Để làm rõ những lý do dẫn đến việc dự án này chậm tiến độ, phóng viên đã liên hệ với Cục Đường thuỷ Việt Nam - chủ đầu tư của dự án.

    Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Đạo – Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho hay: “Công trình Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng năm 2022 và các công trình đường thủy khác gặp rất nhiều khó khăn, nước cao hay thấp cũng không thi công được.Trong một năm chỉ một vài tháng có thể thi công được, thậm chí chỉ có một vài ngày là thi công được. Vì nước cao kèm chảy xiết nên việc neo phương tiện bố trí thi công và đưa búa đục xuống rất khó khăn. Nước trên 2 mét phải dừng thi công, nước thấp, các phương tiện lại không đi vào được vì vậy chỉ có thể thi công ở mực nước từ 1,7 - 2,5 mét. Khi thuỷ điện xả nước cũng phải dừng thi công vì vậy thời gian thi công rất ít”.

    Ngoài lý do mực nước thất thường khiến việc thi công gặp khó khăn, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn cho biết quá trình khoan khảo sát địa chất ban đầu còn hạn chế.

    Cụ thể, khi khoan khảo sát ghi nhận đá ngầm cấp 4 vì thế khi Cục này tổ chức dự toán và mời thầu đều dựa vào việc khảo sát ban đầu. Nhưng khi triển khai thi công gặp các loại đá không như khảo sát ban đầu dẫn đến không thể đục thi công được và dự án phải dừng lại. Sau đó đã thử nhiều loại búa đục mới nhưng vẫn không thể triển khai. Chính vì thế phải dừng lại để yêu cầu tư vấn đưa ra biện pháp thi công mới cho phù hợp. 

    Cũng theo ông Lê Minh Đạo, phía chủ đầu tư đã rất tâm huyết và vất vả trong quá trình triển khai dự án, đồng thời khẳng định “những khó khăn của tuyến đường thuỷ này đơn vị cũng nắm rất rõ” nên “không có chuyện đưa các nhà thầu yếu kém vào thi công”. Trước đó đơn vị thi công đã tiến hành thanh thải phá bỏ một phần đá ngầm trong dự án và được nghiệm thu vào trước 31/12/2022.

    Trả lời câu hỏi của Phóng viên về các phương án tiếp theo để tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục thi công dự án, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam khẳng định nếu nhà thầu không thể thực hiện được tiếp thì có thể kết thúc hợp đồng để lựa chọn những nhà thầu mới.

    Về nội dung thông tin liên quan đến công tác giải ngân cho đơn vị thi công, ông Lê Minh Đạo cho biết đã giải ngân một phần theo kết quả nghiệm thu trước đó.  Về số tiền cụ thể đã giải ngân, ông Đạo cho biết sẽ cung cấp cho phóng viên sau.

    Theo tài liệu mà phóng viên có được việc thanh toán theo hợp đồng của Dự án Thanh thải bãi đá ngầm Km 258+100 - Km 259+200 sông Hồng năm 2022 phần tạm ứng không được áp dụng. Việc thanh toán sẽ dựa trên cơ sở khối lượng nghiệm thu hoàn thành theo quy định sau khi công trình được bàn giao đưa vào sử dụng. Đồng thời phía đơn vị trúng thầu sẽ chịu phạt 01% giá trị hợp đồng nếu chậm tiến độ.

    Được biết đơn giá của việc phá đá ngầm cấp 4 thuộc dự án này là gần 3 triệu cho mỗi mét khối. Tổng mức chi phí cho việc phá đá ngầm là khoảng 8,7 tỷ đồng.

    Quay trở lại việc dự án Thanh thải bãi đá ngầm trên sông Hồng bị chậm tiến độ với lý do có sự khác biệt trong quá trình khảo sát địa chất, dư luận cảm thấy khó hiểu vì sao một dự án đầy khó khăn, thách thức yêu cầu kỹ thuật cao mà bên trúng thầu lại là một đơn vị không mấy tên tuổi trong lĩnh vực này.

    Kèm theo đó, sau khi phát hiện địa chất không như khảo sát việc thi công bị ảnh hưởng bởi mực nước lên xuống thất thường và mùa mưa bão đang đến gần, vậy tại sao phía Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam lại chỉ gia hạn dự án là 51 ngày thay vì có những phương án tốt hơn.

    Ngoài ra, việc gia hạn ngắn ngày như vậy dễ tạo điều kiện cho các cá nhân trục lợi bằng việc lợi dụng dự án nạo vét thanh thải để khai thác cát trái phép.

    Trước những thông tin trên, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam phủ nhận và cho biết cũng từng có nhiều cá nhân ngỏ ý đặt vấn đề kết hợp khai thác cát nhưng vị này từ chối, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan tuân thủ pháp luật và liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra giám sát.

    Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-duong-thuy-noi-dia-viet-nam-len-tieng-ve-du-an-lien-tuc-cham-tien-do-a578354.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.