Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (CSIS) của Mỹ, Trung Quốc đã mắc phải 4 sai lầm chiến lược khi ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Để bảo vệ và hỗ trợ giàn khoan trái phép này, Trung Quốc đã điều gần 100 tàu các loại - trong đó có cả tàu chiến, máy bay chiến đấu.
|
Tàu 46001 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. |
Động thái này thể hiện một sự leo thang mới và nguy hiểm của Trung Quốc. Từ năm 2007, Bắc Kinh đã ngày càng quyết đoán và khiêu khích trong việc thực hiện tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đã tấn công và bắt giữ ngư dân nước ngoài hoạt động trong các ngư trường truyền thống của họ ở Biển Đông. Dưới áp lực của Trung Quốc, một số công ty dầu khí nước ngoài đã buộc phải rút khỏi các hợp đồng với các bên cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Năm 2009, Bắc Kinh chính thức tuyên bố yêu sách "đường 9 đoạn", bao chiếm hơn 80\% diện tích Biển Đông. Sau đó, năm 2010, nước này tuyên bố rằng Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của họ. Đến năm 2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" với trung tâm hành chính đặt tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam trong năm 1974.
Bốn sai lầm chiến lược
Hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông đang thể hiện tính toán sai lầm nghiêm trọng của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Theo Hà Anh Tuấn - nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia, thành viên của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Trung Quốc đã phạm phải 4 sai lầm chiến lược:
Đầu tiên, động thái mới này đã khiến cho Việt Nam phản ứng rất mạnh mẽ và kiên quyết. Điều 56 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền với các mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. UNCLOS không có quy định nào để biện minh cho hành động đặt giàn khoan dầu trái phép của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam.
Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ với Việt Nam và động thái mới nhất của Bắc Kinh đã vượt qua ranh giới cho phép. Do đó, Việt Nam có phản ứng rất cứng rắn. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và cả Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì để phản đối hành động của Trung Quốc và khẳng định rằng Việt Nam sẽ "áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp" ở Biển Đông. Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã được phái đến khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan để yêu cầu rút khỏi EEZ của Việt Nam trong khi các ngư dân của Việt Nam vẫn thực hiện các hoạt động khai thác bình thường ở khu vực trên.
Trung Quốc đáp lại động thái này bằng cách gửi thêm tàu đến để bảo vệ giàn khoan này. Va chạm đã xảy ra giữa tàu của hai bên và có thể sẽ xuất hiện sự cố ngoài dự kiến. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về ngoại giao đối với Trung Quốc.
Thứ hai, hành động của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khoét sâu sự nghi ngờ của các nước trong khu vực về ý định thực sự của Bắc Kinh. Ngoài Việt Nam và Philippines, Singapore, Malaysia và thậm chí cả Indonesia đang ngày càng lo ngại về hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Indonesia trước đây luôn giữ lập trường trung lập trong những tranh chấp ở Biển Đông, nay đã hoàn toàn thay đổi quan điểm và cho rằng tuyên bố của Trung Quốc thách thức chủ quyền của Jakarta đối với vùng biển Natuna. Trong thực tế, tàu vũ trang của Trung Quốc đã đối mặt với tàu của Indonesia trong vùng biển mà Jakarta tuyên bố chủ quyền.
Nếu Trung Quốc đã có hành động đặt giàn khoan trong vùng EEZ của Việt Nam như hành động trước đây nhằm kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012, chắc chắn Bắc Kinh sẽ mở rộng hoạt động của mình xuống phía nam, đặt ra nguy cơ đụng độ với Malaysia và Indonesia. Với vai trò của Indonesia trong ASEAN, thay đổi quan điểm của Jakarta đối với Trung Quốc là một bất lợi lớn đối với Bắc Kinh. Hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến uy tín quốc tế của nước này bị hủy hoại. Những thành tựu từ chiến lược "quyến rũ" của Trung Quốc đối với ASEAN trong những năm 1990 có thể bị sụp đổ bởi một làn sóng chống Trung Quốc trong khu vực.
Ngày 11/5 vừa qua, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN ban hành một tuyên bố chung riêng về sự leo thang các mối đe dọa Biển Đông. Điều này thể hiện phản ứng dữ dội về mặt ngoại giao trong việc phản đối Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Thứ ba, Trung Quốc không còn lý do để biện minh cho sự hiện đại hóa quân sự của nước này. Bắc Kinh tuyên bố rằng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là mang tính chất phòng thủ và sẽ không làm suy yếu an ninh khu vực. Trong thời gian căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giai đoạn 2007-2013, Trung Quốc thường tránh sử dụng lực lượng hải quân. Thay vào đó, các lực lượng bán quân sự, chẳng hạn như tàu hải giám của Trung Quốc, thường được triển khai để phục vụ tham vọng lãnh thổ của nước này. Trong vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough năm 2012, không có tàu hải quân nào của Trung Quốc được triển khai đến vị trí này. Trung Quốc đã huy động các tàu bán quân sự và các tàu cá để ngăn chặn phía Philippines tiếp cận khu vực.
Tuy nhiên, để bảo vệ giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam, Bắc Kinh đã điều 7 tàu hải quân, 33 tàu cảnh sát biển và hàng chục tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí... Ngoài ra, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Do đó, các nước khác có lý do để lo lắng về ý định thực sự đằng sau chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Cuối cùng, hành động trên của Trung Quốc có thể làm mất ổn định an ninh khu vực, tạo ra một trở ngại đối với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì tăng trưởng của nước này. Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước, trong đó có sự suy thoái của môi trường, lão hóa dân số và các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Trong vài năm qua, các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng ly khai đã xảy ra ở các thành phố lớn, đe dọa sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Lãnh đạo Trung Quốc cần một môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực vào những thách thức nội bộ. Nhưng hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Việt Nam có thể gây mất ổn định an ninh khu vực và làm suy yếu những nỗ lực để duy trì tăng trưởng .
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào EEZ của Việt Nam là một tính toán sai lầm chiến lược. Rõ ràng là các nước trong khu vực sẽ tăng cường xây dựng khả năng phi đối xứng để bảo vệ chủ quyền của họ nhằm đối phó với Bắc Kinh, đồng thời họ cũng có thể hoan nghênh sự tham gia của các quốc gia khác vào khu vực, chẳng hạn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông. Nói cách khác, hành vi hung hăng của Trung Quốc đã tạo điều kiện và đẩy mạnh chiến lược xoay trục của Mỹ tới khu vực Châu Á, điều mà các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không muốn thấy.
Theo CSIS, hành động hung hăng và gây mất ổn định khu vực sẽ không giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cách tốt nhất để Trung Quốc tăng vị thế của mình như là một cường quốc toàn cầu là trỗi dậy nhưng tôn trọng những nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ đối ngoại-hợp tác cùng có lợi, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nước khác và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Chạy nhanh không có nghĩa là sẽ đến đích sớm.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/csis-4-sai-lam-chien-luoc-cua-trung-quoc-o-bien-dong-a33266.html