Nếu bị CSGT dừng xe nhưng không nằm trong 4 trường hợp quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA thì người dân được quyền làm gì?
Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện để kiểm soát.
Nhiều người quan tâm nếu bị cảnh sát giao thông dừng xe nhưng không nằm trong 4 trường hợp quy định tại Thông tư 65/2020 thì người dân xử lý thế nào?
Bị CSGT dừng xe sai quy định, người dân được quyền làm gì? - Hình minh họa |
Theo Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông thông qua các hình thức sau:
Một là, thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Ba là thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.
Bốn là thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Người dân cũng có thể thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp để giám sát lực lượng cảnh sát giao thông nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ và ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012, cảnh sát giao thông khi xử phạt hành chính phải có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm; người tham gia giao thông cũng có quyền chứng minh bản thân không vi phạm.
Trong trường hợp không chứng minh được mà cố tình xử phạt thì người tham gia giao thông có quyền khiếu nại.
Tuy nhiên, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nói rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ khi quyết định xử phạt đã được tạm đình chỉ.
Việc khiếu nại phải thực hiện trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính.
Theo Thông tư 65/2020, từ 5/8, có 4 trường hợp CSGT có quyền dừng phương tiện.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thứ tư, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định trước khi tuần tra, kiểm soát, Trưởng phòng CSGT các đơn vị thuộc Cục CSGT, công an tỉnh, huyện phải thông báo công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện; kiểm tra chuyên đề và kế hoạch xử lý vi phạm thường xuyên.
Hình thức thông báo bao gồm: Niêm yết tại nơi tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cự Giải(T/h)