Mặc dù chỉ là TPCN nhưng sản phẩm Bào tử lợi khuẩn Colon (bản quyền của Công ty CP Euro Pharma Việt Nam) lại được quảng cáo như một loại thuốc chữa bệnh.
Theo quy định pháp luật, thực phẩm chức năng (TPCN) không phải thuốc chữa bệnh. Đây là sản phẩm bổ sung những chất còn thiếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa, giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, vì lý do lợi nhuận, không ít các đơn vị sản xuất, nhà phân phối,...đã “thần thánh hóa” công dụng của TPCN khiến người tiêu dùng hiểu nhầm TPCN là thuốc và có tác dụng chữa trị bệnh.
Mới đây, trên các kênh mạng xã hội, website http://Colon.vn; http://baihocsuckhoe.pagedemo.me/…, đã cho đăng tải nhiều thông tin bài viết, ý kiến người bệnh, video nói về sản phẩm Bảo tử lợi khuẩn Colon (Sản phẩm thuộc bản quyền của Công ty CP Euro Pharma Việt Nam có giấy phép đăng kí kinh doanh số 0107643229. Sản phẩm nói trên được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép ngày 18/07/2017 do ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm ký xác nhận).
Sản phẩm Bào tử lợi khuẩn Colon được quảng cáo có thể "điều trị" dứt điểm bệnh trong thời gian ngắn sử dụng? |
Sản phẩm Bào tử lợi khuẩn Colon được giới thiệu giúp tiêu diệt vi khuẩn gây Viêm đại tràng & các hại khuẩn khác bằng cách cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh chỗ bám & tiết ra kháng sinh nội sinh có tác dụng tiêu diệt mạnh mẽ vi khuẩn gây Viêm đại tràng, giúp tái tạo & trẻ hóa niêm mạc đại tràng đặc biệt hữu dụng đối với người già, người bị các bệnh mãn tính.
Tại một số trang mạng xã hội, website thậm chí còn khẳng định khi giới thiệu về sản phẩm: “100% tinh chất điều trị các bệnh rối loạn tiêu hoá và viêm đại tràng cấp và mãn tính… đặc biệt điều trị dứt điểm bệnh viêm đại tràng…”.
Một điểm chung của các quảng cáo trên là khi nói về TPCN Bào tử lợi khuẩn Colon lại sử dụng những từ, cụm từ như “điều trị”, “liệu trình”, “đặc trị”, “hàng đầu”… "mập mờ" giữa TPCN và thuốc điều trị bệnh khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về bản chất sản phẩm.
Trên website có đăng tải:
“Anh Nguyễn Thành Tuấn bị viêm Đại tràng hơn 5 năm, đã đi khám nhiều nơi, dùng nhiều phương pháp Đông y & Tây y đều không dứt hẳn. Từ khi được người anh giới thiệu cho Colon – chuyên dụng cho Viêm Đại Tràng thì chỉ sau 3 tháng đã khỏe hẳn. Anh ăn uống ngon miệng, tăng cân & ăn đồ lạ hoặc uống Rượu bia cũng không còn bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần nữa. Anh Tuấn rất ấn tượng với hiệu quả trị liệu và sẽ tiếp tục sử dụng Colon”.
“Chị Minh Tâm là bệnh nhân ung thư cần phải Xạ trị. Tuy giúp tiêu diệt tế bào Ung thư nhưng chị Minh Tâm gặp phải tình trạng buồn nôn, tiêu chảy, sút cân nghiêm trọng, người luôn mệt mỏi. Chị đã dùng nhiều loại men vi sinh, men tiêu hoá nhưng không hiệu quả. Sau khi được bạn thân giới thiệu sử dụng Colon, chị đã giảm đến 80% cảm giác buồn nôn, không còn bị tiêu chảy, ăn đã thấy ngon, cân nặng & sức khỏe dần trở lại. Chị vẫn đang tiếp tục sử dụng để duy trì sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chuẩn bị cho lần Xạ trị tiếp theo”.
Đây được coi như là chiêu trò có dấu hiệu “lách luật” khác khi quảng cáo sản phẩm này đó là những "chia sẻ" từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm Bào tử lợi khuẩn Colon. Việc dẫn lời các khách hàng sử dụng sản phẩm mà không khuyến cáo rõ Bào tử lợi khuẩn Colon chỉ là TPCN, khiến người tiêu dùng dùng tin rằng loại thực phẩm chức năng Bào tử lợi khuẩn Colon được đề cập đến có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Sản phẩm bảo vệ sức khỏe Bào tử lợi khuẩn Colon được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp phép ngày 18/07/2017. |
Trên thị trường hiện nay, TPCN được cung cấp với số lượng không hề nhỏ, đa dạng về nhãn hiệu, chủng loại. Tuy nhiên vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã quảng cáo một cách mập mờ, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh. Việc này đã khiến cho không ít bệnh nhân “tiền mất tật mang”, vì tin tưởng vào công dụng "chữa" bệnh của TPCN.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của khách hàng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo TPCN sai sự thật, gây hiểu nhầm cho khách hàng, có những hình thức xử phạt đủ răn đe, không để một số doanh nghiệp lợi dụng lòng tin của khách hàng nhằm trục lợi bất chính.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT nêu rõ: “c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”. Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. |
An Huy (t/h)