(ĐSPL) - Các loại thịt “thú rừng” này trông không khác gì phần thịt chưa được đóng gói mà chủ cơ sở khai là thịt lợn.
[mecloud]AQwwGuGxPi[/mecloud]
Theo tin tức trên báo Người Lao Động, sáng 30/6, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM đã phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất thực phẩm từ động vật mà không có giấy phép.
Thịt thú rừng nhìn không khác gì thịt lợn. |
Cơ sở nói trên nằm trên đường Phạm Hùng, ấp 4A, xã Bình Hưng, do bà Nguyễn Thị Kim T (sinh năm 1982) làm chủ.
Kiểm tra khu vực tủ đông lạnh của cơ sở Đoàn kiểm tra phát hiện các loại thịt để trong khay xốp. Trong đó có cả các sản phẩm thịt đã được đóng vào bao bì hút chân không với nhãn mác đủ loại: thịt nai, đà điểu, nhím,…
Các loại thịt “thú rừng” này trông không khác gì phần thịt chưa được đóng gói mà chủ cơ sở khai là thịt lợn.
Bao bì, nhãn mác phục vụ công nghệ hô biến thịt heo thành thịt thú rừng. |
Tại khu vực in nhãn mác, bao bì của cơ sở, Đoàn kiểm tra không hề phát hiện thấy nhãn mác nào ghi “thịt lợn”. Tất cả đều là nhãn mác những loại thịt thú rừng kể trên, được quảng cáo là nguồn thịt được nuôi ở trang trại tại Sóc Trăng, nhưng lại không có địa chỉ, SĐT liên lạc.
Ngoài máy đóng gói mini, lọ đựng hóa chất, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bao bì in các lời quảng cáo như: “thực phẩm của thế kỷ 21”, “thực phẩm của thời đại”, “từ trang trại Khánh Hòa”, “từ trang trại nuôi Sóc Trăng”… nhưng lại không in tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất.
Qua làm việc, bà T khai nhận thịt lợn được mua từ chợ Bình Điền (quận 8) với giá 85.000 đồng/kg sau đó chia nhỏ bán cho các mối tiêu thụ ở tỉnh. Còn với các loại in trên bao bì là thịt đà điểu, nhím, nai được bán vào quán nhậu, nhà hàng với giá 95.000 – 115.000 đồng/kg.
Chủ cơ sở khai nhận, các sản phẩm thịt thú rừng trên được bán cho các nhà hàng, tiệc cưới với giá rất mềm. Còn phần thịt heo được mua buôn số lượng lớn rồi chia ra các gói nhỏ bán đi các tỉnh.
Cơ quan chức năng thu giữ tổng cộng 654 kg thịt các loại, trong đó có 92kg được đóng bao bì, dán nhãn thịt nhím, nai, 128kg in mác cánh và bao tử đà điểu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính với chủ cơ sở và tiến hành niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục xử lý.
Độc hại tiềm ẩn
Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM về các điểm kinh doanh thịt thú rừng ở TP.HCM, ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho rằng, hầu hết đây là bán “thịt giả”. Ông giải thích: “Khi bán cho khách hàng thì họ nói đây là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt nhím… Nhưng khi bị bắt thì họ nói đây chỉ là thịt lợn nhà, việc thui cho vàng da chỉ nhằm mục đích làm cho thịt ngon hơn. Thực tế, đó chỉ là thịt heo nên chức năng xử lý thuộc về bên cơ quan thú y”.
Theo ông Cương, điểm chung của những điểm kinh doanh “thịt giả” là mua thịt lợn nái già, giá rẻ về thui vàng da rồi cắt thành những miếng thịt cho giống thịt của con thú này, thú kia.
Còn theo các nguồn tin từ cảnh sát môi trường, để biến thịt lợn thành thịt thú rừng, các đối tượng kinh doanh chắc chắn phải có “bí quyết” trong việc chế biến. “Có thể họ dùng máu thịt thú rừng hay hóa chất để tẩm ướp vào thịt heo sao cho giống thịt thú rừng nhất. Tuy nhiên, các chất tẩm ướp này là chất gì thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào xác định được”, một cảnh sát môi trường, chia sẻ.
Nhiều cán bộ thú y cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, hầu hết các vụ phát hiện làm thịt giả, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên liệu là thịt lợn nái không được kiểm dịch còn cách chế biến làm giả thịt ra sao thì vẫn chưa xác định.
“Hiện nay, các loại thịt thường dễ bị làm giả đó là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím… Nguyên liệu để làm các loại thịt này thường là thịt lợn nái già. Thịt lợn này thường mua trôi nổi với giá rẻ để chế biến bán lại giá cao, thu lợi nhiều. Các loại thịt làm giả đều không đảm bảo diều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây độc hại cho người dử dụng”, một cán bộ thú y, nhận định.
Ngọc Anh (Tổng hợp)