Cộng hòa Síp sẽ tước quốc tịch của 7 người và xem xét lại khoảng 4.000trường hợp khác do vi phạm các điều khoản của chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu.
Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades. Ảnh: AFP |
Ngày 4/9, trả lời phóng vấn AFP, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades cho biết, “Trước đó đã có một số thiếu sót trong chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu, và đó là lý do vì sao chúng tôi đã áp dụng nhiều bước để đưa ra cơ chế quản lý hiệu quả hơn”.
Cũng theo Tổng thống Nicos Anastasiades, có khoảng 30 người đã bị một ủy ban đặc biệt điều tra liệu họ có vi phạm các tiêu chí của chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu hay không.
"7 trong số 30 người nói trên sẽ bị tước quyền công dân Síp", Tổng thống Anastasiades nói song không tiết lộ danh tính của những người nêu trên.
Bên cạnh đó, Síp cũng sẽ kiểm tra lại khoảng 4.000 trường hợp đã được cấp hộ chiếu thông qua chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu từ năm 2007. Tuy nhiên, Tổng thống Síp bày tỏ tin tưởng, số vụ vi phạm sẽ rất thấp.
Động thái của nhà cầm quyền Cộng hòa Síp diễn ra vài tuần sau cuộc điều tra của Al Jazeera tiết lộ những vấn đề liên quan đến "hộ chiếu vàng" của nước này.
Trong cuộc trò chuyện với hãng tin quốc tế, Tổng thống Anastasiades cũng bày tỏ quan điểm bảo vệ chương trình mang lại nguồn thu nhập chính cho đất nước thuộc Địa Trung Hải này.
Ông Anastasiades cho biết, các quy tắc về cấp hộ chiếu được thắt chặt bao gồm tuân thủ luật chống rửa tiền, giám sát chặt chẽ hơn và thẩm định kỹ lưỡng cho thấy chương trình hộ chiếu của Síp phù hợp với các chính sách của EU.
Tuy nhiên, phía Ủy ban châu Âu về việc yêu cầu cải cách chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu quan ngại chương trình này có thể giúp các băng nhóm tội phạm có tổ chức thâm nhập vào Liên minh Châu Âu (EU).
Theo Hồ sơ Síp (The Cyprus Papers) do hãng tin Al Jazeera đăng tải, chương trình hộ chiếu Síp cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
Hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” này từ cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm Al Jazeera thu thập được hồ sơ).
Không ít người nộp đơn đăng ký “hộ chiếu vàng” của Síp đang bị điều tra hình sự hoặc đang chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế, hoặc đang thi hành án tù.
Tổng thống Cộng hòa Síp cho biết trước khi đài Al Jazeera đăng tải vụ việc, có khoảng 30 người đã bị một ủy ban đặc biệt điều tra liệu họ có vi phạm các tiêu chí của chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu hay không.
Sau khi xác nhận có quốc tịch Síp từ năm 2018 nhưng là do gia đình bảo lãnh chứ không phải "mua" như Al Jazeera đăng tải, ngày 25/8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ Tổng giám đốc IPC. Sau khi nhận đơn xin thôi việc của ông Phạm Phú Quốc, Công ty Tân Thuận đã tổ chức cuộc họp mở rộng và thống nhất cho ông Quốc thôi việc theo nguyện vọng cá nhân. HĐTV Công ty Tân Thuận báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM xem xét chấp thuận cho ông Quốc được thôi việc và thôi các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân. Về mặt Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy và UBKT Thành ủy xem xét, làm việc với ông Quốc và đề xuất biện pháp xử lý; về mặt chính quyền, trong tuần sẽ có quyết định đình chỉ chức vụ. Trên cơ sở đình chỉ chức vụ, các đơn vị sẽ làm rõ trách nhiệm ông Quốc trong thời gian làm việc tại Tổng Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) và IPC trước khi cho thôi việc, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2020. |
Bạch Hiền (t/h)