(ĐSPL) - Việc bắt, giam, giữ người của Công an phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và người dân cần hiểu rõ luật pháp và quyền lợi của mình.
Hiến pháp Việt Nam có ghi rõ: "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định."
Điều đó có nghĩa rằng không phải Công an cứ thích bắt người thì bắt, cứ thích giam, thích giữ thì giam giữ người. Việc bắt, giam, giữ người của Công an phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và người dân cần hiểu rõ luật pháp và quyền lợi của mình để bảo vệ bản thân khỏi những trường hợp bắt giữ sai trái.
Những trường hợp công an được phép bắt người bao gồm:
- Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
+ Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
+ Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Theo đó, đêm được tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau.
- Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
+ Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
+ Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP về quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 quy định:
Chỉ được bắt khẩn cấp khi có đủ tài liệu chứng minh việc bắt khẩn cấp thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 81 của BLTTHS. Nếu bắt khẩn cấp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì trong hồ sơ phải có tài liệu chứng minh các căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bắt khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì trong hồ sơ phải có biên bản ghi lời khai của người bị hại hoặc lời khai của người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm và các tài liệu hoặc căn cứ khác chứng tỏ người đó sẽ bỏ trốn. Nếu bắt khẩn cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì phải thu thập hoặc ghi nhận được dấu vết, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở, nơi làm việc của người bị nghi thực hiện tội phạm đó.
Cần lưu ý, để nhận định đúng việc người đó có thể trốn theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 81 của BLTTHS, người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp và Viện kiểm sát khi xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp phải căn cứ và đánh giá một cách toàn diện về các mặt như: nhân thân người đó (có tiền án, tiền sự, lang thang không có nơi cư trú rõ ràng….), tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và loại phạm tội được thực hiện và thực tiễn cho thấy người phạm tội thường trốn như tội trộm cắp, lừa đảo, cướp, giết người, mua bán trái phép các chất ma tuý…
Trường hợp uỷ thác bắt khẩn cấp thì ngay sau khi kết thúc việc bắt khẩn cấp, Cơ quan điều tra được uỷ thác phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra đã uỷ thác đến nhận người bị bắt và các tài liệu liên quan. Khi đã dẫn giải người bị bắt về đến trụ sở của mình, Cơ quan điều tra thụ lý vụ án phải chuyển ngay hồ sơ kèm theo quyết định uỷ thác việc bắt khẩn cấp cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
- Bắt người phạm tội quả tang
Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt;
- Bắt người phạm tội đang bị truy nã
Bắt người phạm tội đang bị truy nã là bắt người phạm tội đang lẩn trốn nếu đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra.
Lưu ý: Với người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, người dân cũng có quyền bắt người. Khi bắt, người dân có quyền tước vũ khí, hung khí, giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]ob6fmUNhNb[/mecloud]