+Aa-
    Zalo

    Con rể phụng dưỡng bố mẹ vợ, chăm sóc 2 em vợ bị tâm thần gần 20 năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kể từ khi vợ mất, ngày ngày ông Hùng vẫn lui tới ngôi nhà nhỏ của bố mẹ vợ. Một mình ông chăm sóc cho bố mẹ già đau ốm và hai người em điên dại.

    (ĐSPL) - Kể từ khi vợ mất, ngày ngày ông Hùng vẫn lui tới ngôi nhà nhỏ của bố mẹ vợ. Một mình ông chăm sóc cho bố mẹ già đau ốm và hai người em điên dại. Suốt gần 20 năm nay, người dân Thủy Xuân (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) mỗi ngày đều nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông cần mẫn, lui tới chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho gia đình nhà vợ trên ngọn đồi.

    Nỗi lòng với người vợ quá cố

    Câu chuyện người con rể hiếu thảo vẫn râm ran trong cuộc sống thường ngày của người dân Thủy Xuân. Mỗi sáng sớm, người dân vẫn thấy hình ảnh một người đàn ông tuổi ngoài 50 đến ngôi nhà hoang vu trên đồi. Đó là ông Lê Quang Hùng (54 tuổi, trú tại 371 Điện Biên Phủ, TP. Huế). "ông Hùng làm lốp" là cái tên mà nhiều người biết. Người ta biết đến ông Hùng không phải vì ông là người duy nhất làm lốp, mà chính vì những việc ông làm đối với gia đình người vợ quá cố của mình.

    Ngày ngày, ông Hùng miệt mài làm việc để kiếm tiền lo cho người thân của vợ.

    Thời trai trẻ, cũng như bao thanh niên khác trong vùng, gia đình khó khăn, ông Hùng chọn cho mình một cái nghề để mưu sinh. Nghề làm lốp đã đi cùng với ông hơn nửa cuộc đời, mỗi ngày mang thùng dụng cụ làm việc ra góc phố để kiếm đôi ba nghìn đồng. Ngày này qua tháng khác, rồi một hôm ông bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ nhỏ nhắn và đem lòng yêu thương. Ngỏ lời với người thương, nhưng ông bị từ chối vì hoàn cảnh gia đình của người thương quá éo le. Hai bố mẹ già, hai em bị tâm thần. Nhưng từ trong thâm tâm của người thanh niên ấy lại nguyện cưu mang hết gia đình nhà vợ.

    Câu chuyện tình yêu của ông Hùng vẫn khiến nhiều người cảm động. ông tâm sự: "Ngày tôi nói lời thương, rồi xin bà ấy về làm vợ nhưng bị từ chối. Bởi, gia đình của bà ấy chỉ có duy nhất một mình bà là tỉnh táo để làm việc. Ba mẹ già ốm, hai em lại bị tâm thần nên bà chẳng dám theo ai về làm dâu, để những người thân đau ốm một mình". Trong mắt ông Hùng, vợ ông luôn là một người phụ nữ tuyệt vời, bà luôn hy sinh mọi thứ vì gia đình. Thuở ấy, vợ ông Hùng nhỏ nhắn, suốt ngày lom khom với hàng rau dọc phố.

    Một mình bà phải chăm lo cho bố mẹ già và hai em, nhiều trai tráng trong vùng đều thương, nhưng ít người chạm ngõ vì gia cảnh bà quá éo le. Từ ngày gặp nhau, ông Hùng mang lòng thương rồi nhất quyết phải cưới về làm vợ, mặc cho gia đình có ngăn cấm. Ông Hùng tâm sự: "Ngày đó khi xin phép gia đình, chúng tôi bị nhiều người cấm đoán, không cho cưới. Ngay cả vợ tôi lúc đó cũng không chịu, vì sợ không ai chăm lo người thân. Vậy là tôi mới nói với bà ấy là tôi sẽ chăm lo cho gia đình bà đến cuối đời. Còn sống là tôi còn chăm lo cho họ".

    Tấm lòng của chàng thanh niên làm lốp năm nào đã làm xao xuyến người con gái hàng rau. Tuy nhiều người trong gia đình phản đối, nhưng ông Hùng vẫn quyết tâm gánh vác trách nhiệm giúp người mà mình yêu thương. Kết hôn năm 1987, sau khi hạ sinh cho ông Hùng hai đứa con kháu khỉnh là Lê Minh Tuấn (SN 1988) và Lê Minh Phương (SN 1991) thì vợ ông qua đời vì bệnh tim.

    Chi phí chạy chữa quá cao, gia đình khó khăn, ngồi nhìn vợ ra đi mà ông Hùng chẳng cầm được lòng. "Vợ tôi bị vì bệnh tim mà qua đời. Bà ấy mất từ năm 1997, đến nay gần 20 năm rồi. Khi vợ mất, hai cháu còn nhỏ lắm, bên nhà vợ bố mẹ với hai em cũng đang lúc ốm đau nên một tay tôi lo hết toàn bộ", ông Hùng ngậm ngùi kể.

    Gần 20 năm gánh vác trách nhiệm

    Kể từ ngày người vợ qua đời, toàn bộ mọi việc đều do một mình ông Hùng gánh vác. Cả gia đình sống nhờ vào những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ nghề làm lốp xe của ông. Ông Hùng vẫn nhớ rõ khó khăn của những ngày đầu tiên khi vợ ông vừa mất: "Lúc vợ vừa mất, mọi việc trong gia đình và bên nhà vợ đều dồn lên vai tôi. Nhiều lúc cũng thấy nản nhưng đã hứa với vợ rồi, tâm nguyện của bà ấy trước lúc mất là chăm lo cho bố mẹ, hai em và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn", ông Hùng chia sẻ.

    Suốt gần 20 năm, từ ngày vợ lâm bệnh nặng, bà con lối xóm ngày nào cũng thấy ông Hùng đạp xe lên nhà vợ để chăm lo cho gia đình bên ấy. Mỗi buổi sáng, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, thì ông Hùng lại một mình đạp xe lên nhà vợ, lo cơm nước cho bố mẹ vợ và hai em bị tâm thần. ông Hùng chia sẻ: "Việc chăm sóc ông bà là trách nhiệm của tôi và mấy đứa con. Nhưng mấy đứa đang trong độ tuổi ăn học, chúng nó bận đi học thì mình làm cha mình phải làm, bắt chúng làm thì lấy đâu thời gian để chúng đi học".

    Mái ấm đơn sơ của hai người em vợ ông Hùng.

    Lúc vợ ông Hùng còn sống, chuyện cơm nước, giặt giũ cho nhà bên vợ hầu như được bà đảm nhận, ông lo làm kiếm tiền. Khi vợ mất rồi chuyện cơm nước, giặt giũ đều do một mình ông Hùng. Cứ mỗi sáng, nhiều người hàng xóm lại nhìn thấy cảnh ông Hùng bón từng muỗng cơm cho người thân của vợ, dọn từng mảnh rác trên nhà. Suốt gần 20 năm nay, hình ảnh ấy vẫn cứ lặp đi lặp lại. Ông Trần Văn Minh (59 tuổi), một người hàng xóm chia sẻ: "Từ ngày vợ mất, ngày nào cũng thấy ông Hùng lên đây lo cho hai ông bà với hai đứa em. Hàng xóm ai cũng nể chú Hùng, xưa nay kiếm đâu ra được một người con rể như vậy".

    Thay vợ chăm sóc bố mẹ vợ, các em và nuôi hai con dại, đến đầu năm 2011 thì bố vợ ông mất vì già yếu. Khi hương khói trong nhà còn chưa tắt thì mẹ vợ ông cũng qua đời. ông Hùng nghẹn ngào tâm sự: "Tôi lo cho bố mẹ vợ và hai em, chưa làm được gì nhiều thì ông bà ngoại lại qua đời. Tôi nghĩ tới người vợ đã mất, càng thấy thương". Trong một năm mà bố mẹ vợ đều mất, ông Hùng phải chạy vạy khắp nơi để lo đám tang. ông Minh cũng cho biết: "ông bà trước khi mất có để lại cho chú Hùng một ít tiền, nhưng chú Hùng không nhận. Chú Hùng nói số tiền ấy để lo nơi an nghỉ sau này cho hai đứa em".

    Ngôi nhà nhỏ khuất bóng hai cụ già, còn lại duy nhất hai người điên trong cơn mê, cơn tỉnh khiến bà con lối xóm ai nấy đều cảm thương. Gần 30 năm qua, kể từ khi lấy vợ, mái tóc ông Hùng đã bạc trắng vì gió sương, thì nỗi lòng, sự lo lắng cho hai người em vợ lại càng khiến ông trằn trọc hơn. Ông nghẹn ngào tâm sự: "Bây giờ tuổi tôi cũng lớn rồi, còn hai đứa em bị bệnh tâm thần. Một đứa còn khỏe, một đứa nằm liệt giường, không biết khi tôi nằm xuống, thì ai lo cho hai đứa nó đây".

    Hai người em vợ của ông Hùng bị tâm thần vẫn đau ốm liên miên. Những đêm mưa gió, ông Hùng phải qua ở lại với họ. Người em gái Phạm Thị Cúc (52 tuổi) từ khi ông bà mất bị bệnh nằm liệt trên giường, mọi việc vệ sinh giặt giũ đều do một tay ông Hùng đảm nhận. Người em trai Phạm Ngọc Cườm (45 tuổi), tuy khỏe mạnh song mỗi lúc lên cơn lại đi khắp nơi rồi chẳng tìm được đường về nhà. ông Hùng và bà con lối xóm lại đi tìm.

    Bao năm qua, ông Hùng vẫn một mình làm công việc ấy, chăm lo cho hai người điên trong khi sức khỏe đang xuống dần. Hai đứa con ông thì đang đi học xa nhà, nên chẳng có ai giúp đỡ được công việc chăm lo ấy. Mỗi ngày khi thức giấc, ông phải tranh thủ thật sớm để lên nhà hai em vợ, lo vệ sinh cơm nước. Rồi khi mặt trời lên, ông lại quay về kiếm sống bằng nghề làm lốp của mình.

    Ai cũng cảm động

    Với nhiều bà con quanh vùng, câu chuyện người con rể chăm lo cho gia đình người vợ quá cố như một câu chuyện cổ tích. Ai nấy đều cảm thương cho hoàn cảnh ông Hùng và ngợi khen tấm lòng hiếu thảo của chàng rể. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoành - Tổ trưởng Tổ 8, P.Thủy Xuân cho biết: “Việc mà anh Hùng làm ai nấy trong tổ đều cảm động, đó cũng là một tấm gương sáng về sự quan tâm chia sẻ. Trước những khó khăn mà gia đình anh đang gánh, phía chính quyền và bà con cũng tạo nhiều điều kiện giúp đỡ".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-re-phung-duong-bo-me-vo-cham-soc-2-em-vo-bi-tam-than-gan-20-nam-a75537.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan