(ĐSPL) – Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, cảm giác hạnh phúc của con người sẽ tăng lên nếu mỗi năm thu nhập của họ là 75 nghìn USD (khoảng 1,6 tỷ).
Theo Telegraph, việc con người theo đuổi sự giàu có thể dẫn đến đau khổ bởi nó sẽ khiến họ sao nhãng những khía cạnh khác của cuộc sống như các mối quan hệ hay phát triển cá nhân, nghiên cứu cho hay.
Cảm giác hạnh phúc tăng lên khi con người kiếm được 75 nghìn USD mỗi năm nhưng chỉ dừng lại ở mức đó, theo nghiên cứu được trình lên Hiệp hội Tâm lý Mỹ. Tính tiết kiệm và sự thoát khỏi chủ nghĩa duy vật có thể khiến con người thỏa mãn hơn với cuộc sống.
“Cảm giác hạnh phúc tăng theo thu nhập khi người đó kiếm được khoảng 75 nghìn USD mỗi năm. Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc chỉ dừng lại con số này bởi sau đó, họ cần dành thời gian cho các mối quan hệ và phát triển cá nhân”, tiến sĩ Miriam Tatzel đến từ trường Đại học New York cho biết.
Ảnh minh họa. |
“Một số người mong muốn sự giàu có quá sức tưởng tượng đã đặt ra mục tiêu thành công khiến họ luôn cố để đạt được điều đó bằng cách làm việc chăm chỉ hơn”, Miriam Tatzel nhận định.
Nhiều nghiên cứu đã xác định những nhu cầu tâm lý cơ bản của con người bao gồm thu nhập, quyền tự trị, các mối quan hệ tích cực, chấp nhận bản thân và sự phát triển cá nhân.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thay vì đáp ứng những nhu cầu này, việc theo đuổi sự giàu có làm giảm thời gian con người dành cho các hoạt động cá nhân và các mối quan hệ xã hội.
“Chủ nghĩa duy vật ảnh hưởng xấu tới cảm giác hạnh phúc của con người”, tiến sĩ Tatzel nói thêm.
“Nhu cầu của con người gia tăng khi họ cảm thấy chán nản với những gì họ đang có và họ muốn đạt được một thứ gì khác. Khoảng cách giữa điều mà họ mong muốn và những gì đang sở hữu càng lớn thì họ càng cảm thấy không thoải mái. Nếu bạn càng ít xem trọng vật chất thì bạn càng cảm thấy hạnh phúc hơn”, Tatzel nhận định.
Ngoài ra, tính tiết kiệm cũng làm gia tăng cảm giác hạnh phúc. “Nhìn chung, những người biết tiết kiệm là những người hạnh phúc hơn. Đó là do con người tránh được những hậu quả tiêu cực của việc chi tiêu quá nhiều hay mắc nợ”, nghiên cứu cho hay.