Kể từ khi xất hiện, bão nhiệt đới Freddy đã gây ra thiệt hại to lớn ở Mozambique và Madagascar, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng tại hai quốc gia và khiến hàng nghìn người phải di dời khỏi nơi ở.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đây là một cơn bão "rất hiếm" và hành trình của báo được đánh giá "đáng kinh ngạc và nguy hiểm".
Bão Freddy phát triển từ ngày 6/2 ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc Australia. Sau đó, nó di chuyển hàng nghìn km qua Nam Ấn Độ Dương về phía Đông Nam châu Phi, ảnh hưởng đến các đảo Mauritius và La Réunion dọc đường đi.
Cơn bão đổ bộ vào bờ biển phía Đông của Madagascar vào ngày 21/2 trước khi đổ bộ vào Mozambique vài ngày sau đó, gây ra mưa xối xả, gió mạnh và lũ lụt, phá hủy nhà cửa và ảnh hưởng đến gần 2 triệu người.
Johan Stander, giám đốc dịch vụ của WMO, cho biết: "Bão Freddy đang có tác động lớn về kinh tế xã hội và nhân đạo đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng".
Sau đó, cơn bão đã quay trở lại Kênh Mozambique, tiếp tục tồn tại trong khu vực và hướng về bờ biển phía Tây Nam của Madagascar.
Theo WMO, cơn bão hiện đang di chuyển ra khỏi khu vực và dự kiến sẽ mạnh lên khi quay trở lại Mozambique.
Các nhà khí tượng học ước tính, bão Freddy đã tích lũy và mạnh lên gấp 6 lần. Theo đó, cơn bão này đã phá kỷ lục, trở thành "bão nhiệt đới tồn tại lâu nhất" và có "sức mạnh tích lũy lớn".
WMO đang theo dõi xem liệu Freddy có trở thành cơn bão kéo dài nhất trên thế giới hay không. Kỷ lục này hiện thuộc về cơn bão John, kéo dài 31 ngày vào năm 1994.
"Tại thời điểm này, nó dường như là một kỷ lục mới về cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất được ghi nhận nhưng chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình", chuyên gia phụ trách các vấn đề thời tiết và khí hậu của WMO Randall Cerveny cho biết.
Mặc dù còn quá sớm để nói tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với Bão Freddy, nhưng các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão nhiệt đới này trở nên dữ dội và mạnh mẽ hơn.
Minh Hạnh(Theo CNN)