Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, thậm chí thay đổi theo từng tuần. Tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động tăng mạnh lên tới hơn 10% đối với một số kỳ hạn.
Nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là vì một số nhà băng đang thiếu nguồn vốn đầu vào nên cần tăng lãi suất để huy động được lượng vốn lớn đáp ứng cho hoạt động của ngân hàng. Với những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, việc tăng lãi suất cao hơn mặt bằng chung nhằm mục đích tạo lòng tin của khách hàng và giữ chân khách hàng,...
Lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay buộc phải tăng lên theo vì "nước lên, thuyền lên". Hiện, các ngân hàng đang cho vay với mức lãi suất trung bình 12 - 14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.
Tại Việt Nam, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn đang duy trì khoảng cách khá lớn khi trung bình đầu vào khoảng 9% nhưng đầu ra lên đến 15%. Điều này khiến không ít doanh nghiệp "đau đầu", nhất là trong bối cảnh hầu hết đều "khát vốn" để hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Ở một diễn biến liên quan, ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tiến hành họp với các hội viên thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất để ổn định mặt bằng lãi suất huy động và thanh khoản hệ thống...
Theo các chuyên gia tài chính, việc khống chế trần lãi suất huy động, nhưng lại "thả nổi" lãi suất cho vay hiện nay chỉ có lợi cho một số ngân hàng trong khi ngân hàng đóng vai trò trung gian. Điều này gây khó cho doanh nghiệp, đi ngược với mục tiêu giảm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất mà Chính phủ đề ra.
Vì vậy, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay là cần thiết để đảm bảo mặt bằng lãi suất chung hợp lý, kích thích sản xuất, kích cầu tiêu dùng. Vấn đề này cần có sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan này xem xét bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay. Việc khống chế trần cho vay có thể giúp doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất cho vay hợp lý, đồng thời các ngân hàng cũng có cơ hội để cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải xem xét thấu đấu lãi suất đầu ra và đầu vào một cách khoa học, hợp lý. Nếu xem xét khách quan, việc khống chế lãi suất tiền gửi và không khống chế lãi suất cho vay đã đã tạo ra những "mâu thuẫn" giữa quyền lợi của ngân hàng với doanh nghiệp, vì vậy đã đến lúc cần phải xem xét một cách thấu đáo đối với mặt bằng lãi suất cho vay và lãi suất huy động như hiện nay.
Nếu để lãi suất cho vay thả nổi cao như hiện nay, doanh nghiệp khó khăn lại càng thêm khó khăn vì không có nguồn lực để trả lãi, dẫn đến nguy cơ phá sản càng trở nên rõ ràng hơn.
Theo Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, với lãi suất đầu vào 15% thì lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt 20%. Như vậy, doanh nghiệp thà không vay, chấp nhận đóng cửa, dừng sản xuất vì nếu vay thì cũng không tạo ra lợi nhuận cho công ty, lợi nhuận bao nhiêu thì cũng trả lãi ngân hàng bấy nhiêu. Doanh nghiệp chịu lãi suất vay rất cao như vậy khó mà tiếp tục duy trì sản xuất chứ chưa nói đến việc hồi phục như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Do đó, việc giữ lãi suất cơ bản là điều cần thiết nhằm kích thích đầu tư, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, khôi phục nền kinh tế.
Bạch Hiền (t/h)