+Aa-
    Zalo

    Có hay không một 'thế lực ngầm' đang chống đối TT Trump?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo The Washington Post, dường như bộ máy quan chức liên bang đang trở thành ‘thế lực ngầm’ cản trở các chương trình của tân Tổng thống Mỹ.

    Theo The Washington Post, dường như bộ máy quan chức liên bang đang trở thành ‘thế lực ngầm’ cản trở các chương trình của tân Tổng thống Mỹ.

    Tuy mới nhậm chức một thời gian ngắn nhưng những chính sách của Tổng thống Donald Trump ban hành đã chịu sự phản đối của một bộ phận không nhỏ quan chức chính phủ. Hơn một tháng sau khi ông Trump nhậm chức, ít nhất nhân viên ở 5 bộ cho hay họ đang “giữ liên lạc” chặt chẽ với những quan chức của chính quyền tiền nhiệm để xin tư vấn về cách xử lý, chống đối với các “sáng kiến” của ông Trump mà họ xem là không thích hợp.

    Một số nhân viên liên bang, những người có trách nhiệm tiến hành các chương trình nghị sự của tân Tổng thống đã thành lập các tài khoản mạng xã hội nặc danh để cố tình rò rỉ những cuộc thảo luận các thay đổi mà bộ máy quan chức do ông Trump bổ nhiệm đang tìm cách thực hiện.

    Tổng thống Donald Trump mong muốn cải tổ bộ máy hành chính Mỹ và cho đó là các quy định không cần thiết và tốn kém.


    Những biểu hiện chống đối ở các cơ quan liên bang diễn ra với nhiều mức độ khác nhau, từ những phàn nàn cấp thấp cho đến những tuyên bố nặc danh trên mạng xã hội khẳng định sẽ chống đối mọi chính sách được ban hành.

    Hàng trăm nhân viên ngoại giao thậm chí còn công khai chống đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump khi ký tên phản đối sắc lệnh. Động thái này đã khiến Nhà Trắng “nổi cơn thịnh nộ”, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã phát đi thông điệp cứng rắn rằng, những bất mãn ở bộ Ngoại giao “hoặc thực hiện sắc lệnh này hoặc có thể rời đi”.

    Theo Washington Post, trong bộ máy chính quyền liên bang, bộ Ngoại giao Mỹ nổi lên như “trung tâm” chống đối sắc lệnh cấm nhập cảnh. Nguyên nhân bởi bộ Ngoại giao là nơi duy nhất có kênh bày tỏ ý kiến bất đồng chính thức, nơi các nhân viên có thể công khai chống đối mà không sợ bị “trả đũa”. Hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ cũng đã ký vào bức điện tín phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

    Các đời ngoại trưởng Mỹ rất coi trọng những ý kiến phản hồi từ kênh này đến nỗi họ đã sửa đổi nhiều chính sách để làm lắng dịu các khiếu nại. Năm 2002, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã từng chủ trì buổi lễ trao một giải thưởng tôn vinh ý kiến bất đồng mang tính xây dựng khi một nhân viên ngoại giao chống lại một Thứ trưởng.

    Tại bộ Tư pháp Mỹ, một nhân viên giấu tên làm việc tại bộ phận phân bổ trợ cấp cho các tổ chức phi lợi nhuận chống nạn bạo hành gia đình và nghiên cứu tội phạm tình dục cho hay, cơ quan này đang có kế hoạch giảm tiến độ công việc và nộp đơn khiếu nại đến văn phòng Tổng thanh tra nếu họ bị yêu cầu ngưng các khoản trợ cấp sâu sắc lệnh cải cách hành chính của ông Trump.

    “Nếu làm việc tại đây, bạn sẽ thấy nhiều quan chức đang sử dụng thời gian phục vụ mục đích cho họ. Chúng tôi sẽ chống lại và đẩy lùi các mệnh lệnh mà mình thấy vô lương tâm bằng cách tiết lộ thông tin cho các cơ quan báo chí và nộp đơn khiếu nại nội bộ”, viên công chức giấu tên nói.

    “Thế lực ngầm” phản kháng những chính sách của Tổng thống Trump bùng phát quá sớm và mạnh mẽ đến nỗi nhà chức trách phải lo ngại về nguy cơ bộ máy hành chính tê liệt vì nhiều công chức công khai “đình công” thực thi nhiệm vụ.

    Khi được hỏi liệu các nhân viên liên bang có phải đang bày tỏ bất đồng quá gay gắt so với những thay đổi trước đây về đảng cầm quyền tại Nhà Trắng không, Tom Malinowski, cựu trợ lý của cựu Tổng thống Barack Obama phụ trách lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và lao động bình luận: “Liệu điều này có bất thường không? Không có gì bất thường về việc bộ máy điều hành an ninh quốc gia Mỹ đang cảm thấy Tổng tư lệnh của họ (Tổng thống Donald Trump) là mối đe dọa đối với chính an ninh quốc gia. Điều này là hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo ngại”.

    Trong khi đó, cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một cố vấn của ông Trump và là người từ lâu chỉ trích bộ máy công chức liên bang đánh giá: “Chúng tôi đang chứng kiến sự phản kháng đối với chính quyền mới. Những người theo tư tưởng “lạc hậu” đang cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi tích cực từ chính quyền mới”.

    Ông Newt Gingrich cũng dẫn một phân tích từ tờ The Hill cho thấy 95% các khoản đóng góp vận động tranh cử ở 14 cơ quan liên bang đều được chuyển đến bà Hillary Clinton vào mùa Thu năm ngoái. “Đây thực chất là “sự chống đối ngầm”, ông Trump có thể “làm sạch” bộ Tư pháp vì ở đó có quá nhiều người thuộc cánh tả. Nhưng ở nhiều bộ phận khác, sự chống đối thậm chí ngày càng tồi tệ hơn”, ông Gingrich quan ngại.

    Cũng tại bộ Tư pháp, một số nhân viên xin ý kiến lãnh đạo rằng liệu họ có được phép biểu tình chống tân Tổng thống hay không. Câu trả lời là được phép với điều kiện họ làm điều đó ngoài thời gian làm việc tại nhiệm sở và với tư cách cá nhân. Thêm vào đó, mạng xã hội là một kênh thông tin để phát đi những thông điệp chống đối những chính sách của Tổng thống Donald Trump.

    Một tài khoản Twitter phản đối các chính sách của ông Trump cũng xuất hiện ở bộ Quốc phòng, tài khoản trên, do một quân nhân lập ra đã đăng những dòng tweet về các tài liệu thuộc bộ Quốc phòng cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu, hay một bài bình luận cáo buộc Tổng thống Trump đã không “tham vấn” với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

    Đó chỉ là một vài những dấu hiệu cho thấy “thế lực ngầm” đang tạo ra rào cản đối với các chính sách của Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Thời gian tới, ông Trump sẽ phải “vất vả” rất nhiều nếu thực sự muốn thay đổi, đưa “nước Mỹ vĩ đại một lần nữa”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-mot-the-luc-ngam-dang-chong-doi-tt-trump-a183185.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan