“Không có nghề nào đẹp đẽ và cao quý như giáo dục nhưng giáo dục Kỳ Anh - Hà Tĩnh đã giáng một đòn quá đau vào chúng tôi”.
Đó là những lời gan ruột mà cô giáo Trần Thị Hồng, sinh năm 1980, ở thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh gửi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Dù đang mang thai ở tháng thứ 8, cô Hồng vẫn cùng với một số đồng nghiệp, vượt 400 cây số từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra Hà Nội để kêu cứu về việc họ bỗng dưng bị một số lãnh đạo huyện Kỳ Anh cắt hợp đồng dạy học tại chính ngôi trường mà họ gắn bó gần 10 năm.
Xin trích đăng bức thư cảm động và xót xa này:
"Kính gửi Bác Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội Vụ
Hôm nay dù biết Bác bận trăm công nghìn việc nhưng tôi vẫn mạn phép xin Bác dành cho tôi và hơn hai trăm giáo viên vừa bị mất việc tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh được bày tò tâm tư nguyện vọng của mình trong bức tâm thư này.
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là những công nhân lâm trường Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh (Nay là huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Trong thời kỳ đầu xây dựng nước nhà, môi trường làm việc tại lâm trường khai thác gỗ nằm sâu trong đại ngàn Vũ Quang nên bảy tháng tuổi, bố mẹ đã gửi tôi về sống với ông bà ngoại ở Can Lộc, Hà Tĩnh với mong muốn cho tôi được đi học kiếm con chữ mong cho tôi có cuộc sống tốt hơn. Quả đúng như vậy, lớn lên chút nữa, khi tôi ý thức được những khó khăn của gia đình và sự khắc nghiệt của mảnh đất “chảo lửa túi mưa” chỉ có một con đường duy nhất để thay đổi tương lai đó là học tập.
Nhìn những giáo viên tận tình dạy dỗ hàng ngày, trong tôi đã mơ ước sẽ có một ngày mình cũng là một cô giáo, tôi sẽ tiếp tục ươm mầm tương lai cho thế hệ trẻ ở những làng quê nghèo tại Hà Tĩnh quê tôi. Năm 2000, tôi nhận được giấy báo vào đại học. Ở quê tôi lúc đó là cả một thành tích lớn, cả làng đến chúc mừng, bố mẹ tôi thì vừa mừng vừa lo. Tiễn con vào nhập học, bố mẹ chắt chiu từng đồng lương công nhân để nuôi con ăn học. Những năm tháng ấy thật khó khăn đối với cả gia đình nhưng đổi lại bố mẹ vẫn tin tưởng vì đã cho con điều mà con mơ ước.
Cô giáo Trần Thị Hồng |
Năm 2006-2007, tôi về hợp đồng giảng dạy ở trường THCS Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Bốn năm hợp đồng tại trường vì không có chỉ tiêu biên chế). Tiền lương hợp đồng dưới một triệu nhưng được đứng trên bục giảng, được bước đầu thực hiện niềm mơ ước của cuộc đời mình tôi thấy thật vui và hạnh phúc. Miệt mài theo đuổi với nghề, đến năm 2009 tôi được ký hợp đồng chính thức với huyện Kỳ Anh và tiếp tục công tác tại trường THCS Kỳ Khang.
Hợp đồng với huyện tôi được đóng bảo hiểm xã hội đến nay là 5 năm, hưởng lương hệ số 2,3. Dù không được tính năm nghề, không được nâng lương, nâng bậc và thiệt thòi quyền lợi hơn các giáo viên biên chế khác nhưng trong suốt 9 năm công tác tại trường, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với nhà trường, tôi là một giáo viên có chuyên môn vững vàng, từng được anh chị em trong tổ chuyên môn tín nhiệm bầu làm tổ phó chuyên môn, ôn thi tuyển sinh khối 9 lên 10, là đoàn viên công đoàn tích cực, nhiệt tình. Đối với học sinh, tôi là một giáo viên có 7 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi luôn gương mẫu trước học sinh, là người mẹ, người chị trước những tâm sự của các cô cậu học sinh tuổi THCS, là giáo viên chủ nhiệm tin cậy của các em. Với tôi, 9 năm công tác là cả một hành trình thực sự, vừa hiện thực hóa ước mơ, hoài bão vừa đúc rút kinh nghiệm.
Cùng với sự giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, tôi thấy mình đã thực sự là thành viên của ngành giáo dục và để xứng đáng với nghề, tôi luôn trau dồi bản thân cả về kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Yêu nghề, gắn bó với nghề, tôi càng mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục nhiều hơn.
Bức thư của cô giáo Trần Thị Hồng gửi Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình |
Cuộc sống thật không dễ dàng gì và chữ “nhưng” đến với tôi cũng thật bất ngờ. Ngày 30/9/2015 tôi và hơn 200 giáo viên khác tại Kỳ Anh đã chính thức bị chấm dứt hợp đồng theo văn bản tỉnh Hà Tĩnh gửi cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Sau nhiều năm công tác nay tôi trở thành người thất nghiệp. Điều đáng nói ở đây là chúng tôi được giải thích rằng: Việc ký kết hợp đồng trước đây là sai, giờ phải sửa. Những người ký hợp đồng cho chúng tôi trước đây giờ đã nghỉ hưu, hoặc thuyên chuyển công tác khác còn ban lãnh đạo huyện mới về, họ không có bất cứ một trách nhiệm nào cả. Cách trả lời của các lãnh đạo mới với những trường hợp lao động như chúng tôi, đã gắn bó với công việc gần một nửa đời nghề, liệu có nhẫn tâm
Trong một cuộc gặp mặt duy nhất, lãnh đạo huyện nói với chúng tôi: “Hãy để cuộc đời rẽ sang một hướng khác”. Nhưng người giáo viên - nghề cầm phấn, đứng trên bục giảng không phải là nghề mà ai cũng làm được, và cũng không phải sau 9 năm ròng rã cống hiến để rồi chỉ ngày một ngày là ra đi không hối tiếc.
Năm học 2015 – 2016 đã khai giảng hơn 1 tháng, mỗi buổi sáng thức dậy, lòng tôi vẫn bâng khuâng nghĩ đến trường lớp, học sinh, vẫn nôn nao khi nghĩ đến ngày đầu tuần chào cờ cùng các em trong nước mắt hạnh phúc. Nhìn các em áo trắng, khăn quàng đỏ đạp xe qua ngõ là tôi lại buồn lòng nghĩ đến tình cảnh hiện tại của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, trong tôi không chỉ có sự hoang mang như cái ngày nhận được tin nghỉ việc (25/8/2015) mà hơn thế tôi đang mất dần niềm tin. Không có nghề nào đẹp đẽ và cao quý như giáo dục nhưng giáo dục Kỳ Anh- Hà Tĩnh đã giáng một đòn quá đau vào chúng tôi.
Đã nhiều đêm không ngủ, trằn trọc, suy nghĩ thật nhiều, không đành lòng với tâm huyết bao năm theo nghề, tôi quyết định viết bức thư này gửi đến bác với hi vọng khi đọc thư, bác và Bộ Nội vụ có những động thái tích cực để giúp đỡ những giáo viên như chúng tôi có được cơ hội trở lại trường lớp, tiếp tục làm người “đưa đò”, để chúng tôi thực hiện sự nghiệp trồng người còn dang dở của mình và cũng là để những người lao động như chúng tôi được hưởng những quyền lợi thiết thực mà pháp luật nhà nước quy định.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc Bác luôn khỏe mạnh, bình an trong cuộc sống. Xin chân thành cám ơn”.
Theo Gia đình Việt Nam
Xem thêm video:
[mecloud]QpVlwQebeH[/mecloud]