(ĐSPL) - Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, 6 anh em và mẹ của Lưu Thị Hà Giang (Quảng Bình) đều mang trong mình căn bệnh suy thận nặng. Ba trong số họ đã chết vì bệnh tật, bản thân Giang cũng đã 11 năm “gắn bó” với bệnh viện để điều trị. Nhưng vượt lên tất cả, bằng ý chí và sự nổ lực phi thường, cô học trò nghèo vẫn có một kết quả học tập đáng nể. Nằm trong diện tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhưng Giang đã từ chối để theo đuổi ngành Luật, vốn là ước mơ từ nhỏ của em.
Bi kịch mang tên suy thận
Men theo con đường nhỏ heo hút giữa cánh đồng ngào ngạt hương lúa mới, chúng tôi hỏi thăm nhà của bé Lưu Thị Hà Giang (SN 1997) ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Từ đầu tới cuối thôn, không ai là không biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình Giang.
Bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi) là hàng xóm của Giang cho biết: “Hoàn cảnh của con bé đáng thương lắm, cả nhà 8 người thì có tới 7 người bị suy thận nặng, trong đó có 3 người đã chết. Cha mẹ làm được đồng nào thì lo tích góp vào chữa bệnh cho mấy đứa nhỏ. Nhưng được cái con bé Giang chăm học lắm, nghe đâu bệnh tật nặng là thế mà nó vẫn thi đậu đại học Luật đấy”.
Bà Trần Thị Nương (54 tuổi), mẹ của bé Giang ngồi trong căn nhà trống hơ trống hoác, với gương mặt đậm nét xanh xao của người bệnh, nói một cách yếu ớt: “Con bé Giang bận đi chăn bò thuê rồi mấy cô ạ”. Giữa cái nắng trưa oi ả, Giang không ở nhà nghỉ ngơi mà bận theo đàn bò em nhận chăn thuê để lấy tiền học đại học.
Hàng ngày Giang đi chăn bò thuê để có tiền nhập học đại học |
Tất cả chúng tôi như lặng người trước mỗi câu, mỗi chữ bà Nương kể về hoàn cảnh của gia đình bà: “Tôi và ông Lưu Đức Thuận lấy nhau từ năm 1979, cũng kể từ đó gia đình chúng tôi chọn mảnh đất cuối làng này để an cư, lạc nghiệp rồi sinh con đẻ cái. Chúng tôi vui mừng khôn xiết khi lần lượt 6 đứa con ra đời, chúng lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, khổ cực trăm bề nhưng được cái đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm học. Vợ chồng tôi thường an ủi nhau, thôi thì mình nghèo, nhưng mình có 6 đứa con là tài sản vô giá, niềm tự hào mà không phải ai cũng có được.
Năm 2003, tai hoạ từ đâu ập tới khi chúng tôi biết tin 6 đứa con và bản thân tôi đều bị bệnh suy thận nặng. Chỉ nghĩ đến mấy đứa con thôi là nước mắt lại chực trào, rồi đây các con tôi sẽ thế nào? Nhà thì nghèo, tôi biết lấy tiền mô mà chữa bệnh cho các con?”.
Từ ngày biết tin bị bệnh suy thận nặng, 6 đứa con của bà, hết đứa này tới đứa khác cứ thay nhau vào nằm viện. 10 năm qua, bà xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2 của mình. Năm 2004, con trai đầu Lưu Đức Thùy mất khi mới 22 tuổi. Ba năm sau, người chị gái Lưu Thị Như Huyền cũng ra đi ở tuổi 22. Nỗi đau chưa được nguôi ngoai, cả gia đình lại tiếp tục hứng chịu nỗi đau khi người con thứ tư Lưu Công Vũ cũng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 19 vì căn bệnh suy thận.
Lấy tay gạt vội dòng nước mắt, bà Nương tâm sự: “Chính quyền và người dân địa phương thấy cả gia đình tôi bị bệnh giống nhau lại cùng một lúc nên họ lấy mẫu nước dưới giếng của gia đình đi xét nghiệm. Kết quả cuối cùng cho thấy, nguồn nước gia đình tôi sử dụng bấy lâu đã bị nhiễm chất độc do bom mìn sót lại trong chiến tranh mà chúng tôi không hề hay biết”.
Vượt lên số phận nghiệt ngã của cuộc đời
Chiều tà, mặt trời dần xuống núi cũng là lúc Giang dắt đàn bò trở về nhà. Trước mặt chúng tôi là cô bé gầy còm, với gương mặt nhợt nhạt do bệnh tật để lại. Giang nói: “Em vẫn còn nhớ, ngày cả nhà bị bệnh, ba mẹ em phải bán hết tài sản trong nhà để vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Rồi những thứ bán được, ba mẹ em đã bán hết, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Vì thế, học hết lớp 9, em khăn gói lên đường theo ba mẹ vào Huế chữa bệnh. Em tự nhủ lòng mình dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy cũng không được bỏ học, chỉ có học em mới có thể giúp được cho ba mẹ trong cuộc sống sau này. Nghĩ thế rồi em thi vào trường Quốc học Huế và may mắn đã đậu vào lớp chuyên địa”, Giang tâm sự.
Bệnh tật, hoàn cảnh tưởng chừng có thể làm em ngã gục. Nhưng ngược lại, 3 năm học phổ thông, Giang liên tiếp đạt học sinh giỏi xuất sắc. Năm lớp 10, Giang được huy chương đồng trong kì thi Olympic Duyên hải Bắc trung bộ và Đồng bằng Bắc bộ. Năm lớp 11, Giang đạt giải nhất tỉnh Thừa Thiên Huế trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh và giải ba học sinh giỏi môn địa lí cấp quốc gia. Năm lớp 12, Giang lại giành về cho mình giải nhì tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bằng khen của Giang trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2012 - 2013 |
Em Nguyễn Thị Thu Hà, là bạn thân cùng lớp đã nói về Giang: “Bạn Giang là tấm gương lớn để chúng em học tập. Dù bệnh tật nặng là vậy nhưng hàng ngày bạn luôn vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi. Ngoài giờ học trên lớp, Giang vẫn giành thời gian làm thêm để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ”.
Ở Huế, để có tiền chữa bệnh cho 6 người con, hàng ngày mẹ của Giang phải đi nhặt ve chai đổi bán lấy tiền. Giang biết, những đồng tiền ít ỏi đó chẳng thể nào đủ cho mình học hành. Nghĩ vậy, ngoài giờ học trên lớp, Giang còn nhận rửa bát thuê, bưng bê ở các quán ăn. Công việc ấy giúp Giang có thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, cùng với tiền học bổng của nhà trường cũng đủ để Giang hoàn thành ba năm THPT với những thành tích đáng khâm phục.
Với những thành tích ở bậc THPT, Giang đã được Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tuyển thẳng vào ngành Quốc tế học. Nhưng vì ước mơ trở thành một luật sư giỏi nên Giang đã từ chối, làm hồ sơ thi vào trường Đại học Luật TPHCM, ngành Luật thương mại.
Đến ngày thi đại học Giang tưởng như mình phải bỏ cuộc: “Có lẽ do em quá lo lắng trước mấy ngày thi, nên đến buổi sáng thi văn, lưng em bỗng đau nhức dữ dội, hai tay lại cứng đơ ra không thể viết được. Lúc đầu em hơi hoảng loạn vì sợ mình không làm đươc bài, nhưng sau đó em lấy lại bình tĩnh, nhủ lòng mình, đây là khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời nên em đã cố gắng cho đến lúc hoàn thành xong bài thi của mình”.
Ngày nhận tin em đậu đại học, cả nhà em vui buồn lẫn lộn. Vui vì em đã đậu được ngành học yêu thích, nhưng lo lắng vì ở nhà chị gái còn chạy thận, mẹ cũng đang điều trị suy thận, còn bố lại đau yếu. Bốn năm học đại học của Giang, cả nhà không biết lấy đâu ra tiền để em ăn học.
Và để có tiền nhập học đại học, Giang đã nhận chăn bò thuê cho một người trong làng.