Bộ phim "Tây Du Ký" (1986) do đạo diễn Dương Khiết thực hiện, đã trở thành một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Trung Quốc, thu hút đông đảo người xem trong nước lẫn quốc tế suốt hơn ba thập kỷ.
Ở thời điểm phát sóng, bộ phim đạt tỷ lệ người xem kỷ lục lên tới 89,4%, một thành tích đến nay vẫn chưa có tác phẩm truyền hình nào vượt qua. "Tây Du Ký" phiên bản 1986 đã được phát lại khoảng 3.200 lần và mỗi lần chiếu lại đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Dù hạn chế về công nghệ hiệu ứng đặc biệt, ê-kíp sản xuất đã sáng tạo nên nhiều cảnh quay đầy ấn tượng. Chẳng hạn, để tái hiện cảnh dưới thủy cung, ê-kíp đã sử dụng một bể cá trước ống kính, diễn viên biểu diễn trước bể này, tạo nên khung cảnh thủy cung sống động với nước và đàn cá bơi lội, mang đến cảm giác chân thực nhờ sự sáng tạo của đạo diễn.
Cách đoàn làm phim quay cảnh thủy cung trong Tây Du Ký.
Khi quay cảnh Tôn Ngộ Không bay trên mây, kỹ thuật phim ảnh thời đó chưa tiên tiến, khiến việc thực hiện trở nên thách thức. Để tạo hiệu ứng, đoàn phim cho nam diễn viên đứng trên tấm bạt lò xo rồi bật nhảy hết sức mình. Trong những cảnh này, Lục Tiểu Linh Đồng không chỉ phải vận động nhiều mà còn cần tập trung vào diễn xuất.
Khi tái hiện cảnh chốn bồng lai, do không có phim trường phù hợp, đoàn làm phim phải thuê phòng tập thể dục của một trường đại học rồi tự dựng cảnh để tạo nên không gian tiên cảnh mờ ảo, phủ đầy mây.
Đặc biệt, trong một cảnh quay vị thần lướt trên mây, một nhân viên phải cúi người, chìm trong làn khói để kéo nhân vật chính mà không lộ mặt. Sau nhiều lần quay, nhân viên này phải đưa đi cấp cứu vì hít quá nhiều CO2 trong thời gian dài.