Ba năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm quy tụ “lũ quỷ đầu gấu” - như tên gọi của người dân - tại chợ Tân Biên, phường Tân Biên, Biên Hòa (Đồng Nai) để cảm hóa. Để làm điều này, chị đã dùng một biện pháp độc nhất vô nhị, bắt “lũ quỷ” mỗi tháng nghỉ làm một buổi tối để… gói thai nhi.
“Đám trẻ choai choai này rất ngỗ nghịch, xem trời bằng vung. Chúng chích choác, chém giết, đua xe, cờ bạc... chẳng chừa một sự thể gì. Lâu nay, tôi quy tụ chúng lại rồi dẫn đi cho... gói thai nhi! Bằng cách này, tôi muốn các em phải ý thức và quý trọng hơn đến sự sống. Tôi hy vọng bọn chúng sẽ thành người”, chị Ngọc Thơm thổ lộ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm ngồi bần thần kể lại những vụ “lũ quỷ” đánh người và một buổi gói thai nhi của “lũ quỷ”. |
Xem “lũ quỷ” gói... thai nhi!
8h tối, như đã hẹn với chị Thơm, tôi tìm đến nhà thờ Tây Hải, TP Biên Hòa. Tại giáo xứ này, vài năm nay vị linh mục giáo xứ đã tổ chức một nhóm thanh niên thiện nguyện để đi “nhặt” các thai nhi từ các phòng khám tư nhân ở TP Biên Hòa về chôn cất. Lần lượt từng tốp thanh niên kéo đến nhà xứ Tây Hải. Đây là lúc họ sẽ “làm đẹp” cho thai nhi cho “lễ cầu siêu” và chôn cất vào sáng ngày hôm sau.
Hơn chục đứa trong “lũ quỷ” của chị Thơm cuối cùng cũng xuất hiện. Nhìn chúng đã biết là hạng “anh chị” trong giới giang hồ - quần áo, đầu tóc đường phố khác xa phong cách lịch lãm, cung kính của những thanh niên trong giáo xứ cùng đến tham gia.
Trên hành lang nhà xứ, trong khi một số thanh niên tiến vào phòng thai nhi thì “lũ quỷ” lót những tấm bạt để ngồi gói thai nhi. Cuối cùng, hơn 200 thai nhi lớn, nhỏ được đựng trong những chiếc hũ cũng được bê ra trước mặt “lũ quỷ”.
Nhìn T - một thành viên của “lũ quỷ” cẩn trọng gói thai nhi, tôi trộm nghĩ họ như đang gói những món quà tặng vào những dịp lễ tết. Có những hũ thai nhi T cầm chỉ còn là một mớ nước đỏ sậm, lắc kêu ọc ạch; có hũ đã tượng hình, co quắp như run sợ khi bước ra ánh sáng.
T bảo lúc đầu nghe “má Thơm” rủ đi gói thai nhi, T lạnh hết sống lưng. Cứ tưởng đời chẳng biết sợ điều gì, chém nhau như cơm bữa, sống chết xem nhẹ tựa lông hồng, thế mà cầm hũ thai nhi trên tay mấy lần T xém để rơi. “Làm riết nên không còn cảm giác sợ hãi nữa mà chỉ biết yêu thương “các em” hơn”.
Ngồi cạnh T là D – một thành viên của “lũ quỷ” cũng có “thâm niên” trong giới đâm chém và đua xe đường phố. D cho biết mỗi khi ngồi gói thai nhi, tâm trạng thấy nhẹ nhõm. Những lúc thảnh thơi, D đắm chìm, lâng lâng với cảm giác của mấy viên “đá”, hoặc lao vào những cuộc hỗn chiến với đám choai choai đường phố…
Những hũ thai nhi được bọc lại bằng những tấm vải đủ màu sắc rồi thêm một chiếc nơ từ bàn tay của “lũ quỷ”. Họ không cần bao tay để cầm nắm thai nhi và bọc lại bằng những tấm vải. Một bạn trẻ cho biết lúc đầu cũng thấy sờ sợ, nhất là sợ nhiễm… HIV, nhưng làm riết rồi quen. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm bùi ngùi: “Bọn em phải trang điểm cho “các em” thật đẹp trước khi chôn cất. Đó cũng là bài học lớn cho “lũ quỷ” nhà em”.
Kiếp chợ đêm - mồ hôi, nước mắt và máu
Từ lúc đầu chỉ có 5 “thằng quỷ” giờ “lũ quỷ” của chị Thơm có hơn 20 thành viên. Phần lớn trong số này lấy đêm làm ngày kiếm ăn tại chợ Tân Biên. “Lũ quỷ” đến từ khắp mọi nơi - miền Tây Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc và cả dân địa phương. Đứa nhỏ nhất 17-18 tuổi, đứa lớn nhất 22 tuổi.
Một ngày như mọi ngày, từ khoảng 10h đêm đến 3h sáng, bọn chúng lấy chợ Tân Biên làm địa bàn hoạt động. Môi trường “đạp nhau để sống” tại chợ đầu mối biến chúng thành “lũ quỷ” chẳng biết kính nể ai. Dù lớn hay nhỏ, già hay trẻ nếu lỡ xâm phạm “địa bàn” hay giành giật mối chạy hàng… là xem như “chuốc họa vào thân”. “Các em bám chợ để sống từ khi 11-12 tuổi, môi trường hỗn tạp, khiến tâm hồn các em chai lì nên gần như không biết yêu thương ai, chỉ có máu đổ và tiền”, chị Thơm cho biết.
“T Mập” cho biết với chiếc xe lôi cà tàng, mỗi đêm chạy hàng cho tiểu thương ở chợ Tân Biên em cũng kiếm được 600.000 – 700.000 đồng, thậm chí lễ tết mỗi đêm “T Mập” kiếm được cả triệu bạc. Sau khi đưa mẹ ít tiền, “T Mập” giữ lại một mớ nướng vào những cuộc đỏ đen, ăn chơi với bạn bè và đi “đập đá”. Trong khi đó, L thuê chiếc xe kéo còng lưng kéo hàng cũng kiếm được 300.000 đồng/đêm. Kiếp “cửu vạn” dạy cho L không khoan nhượng nếu muốn có miếng ăn và những cuộc chơi “hàng đá”, nhậu nhẹt…
Sau những cuộc chiến ở chợ đêm để giành giật miếng ăn, ban ngày “lũ quỷ” lại có cuộc chiến ở đường phố để chứng tỏ “số má”. “Chỉ cần nhìn ai không vừa ý là đánh; chạy xe qua mặt mà nẹt pô cũng đánh; nói nghe không lọt lỗ tai cũng đánh… hình như với “lũ quỷ” đánh là nhu cầu để sống”, chị Thơm nói. Mà ác nỗi, hễ đánh ai là “lũ quỷ” đánh cho… nhập viện. Sau những vụ đâm chém như vậy, chị Thơm lại đi năn nỉ… công an phường, xin từng “thằng quỷ” về giáo dục, uốn nắn.
Kiếp sống chợ đêm của “lũ quỷ” là mồ hôi, nước mắt và máu. |
Con đi chém, má vác dao theo
“Sau này em nghiệm ra một điều, không thể cứ chơi bài thủ thỉ, ẻo lả với bọn nhỏ. Giờ hễ nghe bọn nhỏ đánh nhau ở đâu thì dù đang làm việc em cũng đòi… vác dao theo cùng. Em bảo bọn chúng, nếu đánh thì cho má đánh cùng, chết thì chết chung”, chị Thơm cười nói.
Ở đời, có khi gần gũi riết đâm ra thân thuộc. Thực tế, đến công an “lũ quỷ” cũng không sợ vậy mà nghe “má Thơm” đòi vác dao theo cùng “lâm trận”, “lũ quỷ” đành cất “hàng” lủi thủi kéo về. Chúng sợ “má Thơm” chúng… chết!
Sau khi đã nắm được dây cương “lũ quỷ” chị Thơm bắt đầu thực hiện kế hoạch “đi gói thai nhi”. “Tôi nghĩ với các con cần phải có biện pháp mạnh và thật đặc biệt thì mới mong chúng nên người. Tội nghiệp chúng đâu có muốn trở thành đứa bất trị nhưng chỉ vì thiếu tình thương, thất học. Tôi bắt bọn trẻ đi gói thai nhi là muốn chúng xây dựng lại tình thương trong chính con người mình. Trước hết bọn nhỏ phải biết yêu thương, quý trọng sự sống của mình và sau đó yêu thương, quý trọng sự sống của người khác. Chém giết nhau là hủy diệt lẫn nhau”, chị Thơm bộc bạch.
Thật ra, có một điều mà tôi biết chị Thơm quyết xây dựng cho “lũ quỷ” một môi trường sống tốt, sống có ích cho bản thân và xã hội là do bắt nguồn từ một sự cố xảy ra chính trong gia đình chị. Chồng chị bị tù tội cũng vì dính vào vụ buôn bán ma túy; con cái chị tụ năm tụ ba ăn chơi lêu lổng. Hiện chị đang phải làm nuôi chồng ở tù, chăm sóc dạy dỗ con và chăm luôn cho “lũ quỷ”.
Hiện chị Thơm đang định hướng công việc cho “lũ quỷ” để có một tương lai tốt hơn, một môi trường sống tốt hơn. Một số “thằng quỷ” đã có công việc khác - làm công nhân, sửa xe, DJ… không còn sống kiếp chợ đêm đầy mồ hôi, nước mắt và máu. Thế nhưng đấy mới chỉ là những “hạt nhân” ít ỏi, nhiều “thằng quỷ” vẫn phải sống kiếp chợ đêm khắc nghiệt và vẫn phải đâm chém để giành giật miếng ăn.
Giờ thì như một quy luật bất thành văn, mỗi tối trước khi đi làm, “lũ quỷ” hẹn nhau ra nghĩa trang hài nhi của giáo xứ Tây Hải để ngồi chiêm nghiệm về cái chết, về sự sống và về tình thương tha nhân mà chị Thơm đã gieo vào lòng chúng 3 năm qua.