(ĐSPL) - Khán giả truyền hình cả nước đã quen với hình ảnh nhà thơ “bác sỹ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm chuyên vác bơm kim tiêm to như chiếc điếu cày trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của đài truyền hình Trung ương.
Anh là người tài hoa ở nhiều phương diện và làm say đắm nhiều cô gái nhất là các nữ sinh viên. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” do anh biên kịch vừa đoạt cả loạt giải thưởng lớn. Tuy là bạn thơ chơi với nhau đã mấy chục năm, nhưng anh vẫn rất “cảnh giác” việc tôi viết phóng sự về “bác sỹ hoa súng”, mặc dù tôi thề với bạn “hình ảnh của cậu chỉ đẹp thêm trong loạt bài báo này, hehe”…
Chuyên chữa ... "bệnh tâm hồn"
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, SN 1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sỹ Hoàng Giác nổi tiếng với những nhạc phẩm tiền chiến. Đang học dở khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm nhập ngũ, đã từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, anh trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005. Hiện anh đang sống tại Hà Nội, hội viên hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. |
|
Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,... Ngoài thơ, anh còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu. Điểm qua đôi nét tiểu sử như trên để thấy rằng “bác sỹ hoa súng” không hề được đào tạo gì về ngành y khoa nhưng vẫn dám cả gan xông lên truyền hình ngồi chễm chệ, tư vấn chữa “các loại bệnh tâm hồn”.
Tôi và Hoàng Nhuận Cầm cùng tuổi Nhâm Thìn, cùng sinh ra ở đất Hà thành, chơi với nhau cũng thân nhưng cứ ngồi với nhau một lúc đàm đạo, tranh luận về thi ca là thể nào cũng cãi cọ, mắng mỏ nhau như hai thằng quá khích. Có lần Cầm nhìn trước, ngó sau nói tôi với vẻ mặt rất quan trọng: “Tuổi anh em mình là Nhâm biến vi vương, cậu hiểu chưa? Nghĩa là nhoằng một cái, bọn mình có thể trở thành “vua thơ” liền, với tài năng xuất chúng, cuộc thi thơ nào bọn mình tham gia mà chẳng được giải, cậu công nhận không, tớ giải Nhất thi thơ Văn Nghệ 1972, rồi 20 năm sau lại đoạt giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam năm 1992, còn cậu thì cũng được cả loạt mấy giải thơ rồi, đấy là chưa kể tớ nhảy vào điện ảnh lập tức trở thành “Vua kịch bản”, “Vua đạo diễn” ngay, cậu thấy không?”. Tôi đùa bạn: “Có lẽ Nhâm biến vi vu thì đúng hơn vì thoáng một cái cậu nhảy lên sân khấu “gặp nhau cuối tuần” làm bác sỹ hoa súng khiến nhiều người chết cười, rồi đánh đùng một cái cậu lại đòi đóng vai Nguyễn Du trong một bộ phim về Đại thi hào dân tộc. Nhưng mình phải nói thật, cậu làm thơ rất tài hoa, viết báo, rồi làm đạo diễn và viết kịch bản phim cũng vào loại đường được, còn làm diễn viên có vẻ không ổn lắm vì cậu đóng vai nào cũng rất “cương” theo kiểu sắp hóa dại đến nơi, nhìn vất vả, khổ sở lắm nghe không?”.
Lúc ấy, Cầm trợn tròn mắt nhìn tôi, khạc một cái rõ oai rồi vớ lấy chiếc điếu cày, vê một bi thuốc lào khá to, châm lửa hút, rít lên sòng sọc rồi phả khói khuốc mù mịt về phía tôi như muốn “trả miếng” cho bõ tức: “Ông chỉ làm báo thôi chứ biết đíu gì về phim ảnh, sân khấu mà bàn ra tán vào, thôi ta đi làm cốc bia, cãi nhau rã bọt mép với ông về thi ca suốt từ sáng đến giờ chưa được hớp nào đây!”. Rồi Cầm nháy mắt cười, cái cười rất hớn hở, tinh quái và hai thằng bạn lại bá vai nhau rẽ vào một quán bia vỉa hè để tiếp tục tranh luận về thi ca và điện ảnh. Tính Cầm hồn nhiên, trẻ con và hiếu thắng. Chúng tôi biết nhau từ hồi còn là học sinh cấp 3, lúc ấy Cầm đang viết những bài thơ đầu tay, lấy bút danh là “Ánh Biếc” gửi các báo còn tôi và Từ Ngọc Lang, Phùng Huy Thịnh đang học lớp chuyên văn ở trường Chu Văn An, Hà Nội cũng suốt ngày hí hoáy làm thơ. Tôi và Cầm có thơ in báo Trung ương từ năm học lớp 9. Chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc ác liệt, chúng tôi lần lượt lên đường, mỗi thằng một phương trời. Sau chiến tranh, lại bước vào thời bao cấp, chúng tôi phải dằn mình ra để học, để kiếm sống nhưng tình yêu thi ca không hề lụi tắt.
Con mèo thơ đi tìm các nàng thơ đêm
Tôi nhớ, có lần nửa đêm, Cầm loẹt quẹt đôi guốc gỗ mò đến nhà tôi chơi, người nồng nặc mùi rượu, mồm lẩm bẩm câu thơ thấp thỏm đầy lo âu: “Ta đã đi như mèo trên phố vắng...”. Hỏi ra mới biết, không hiểu vì lý do buồn bã gì đấy mà con- mèo- thơ Hoàng Nhuận Cầm đã lang thang suốt tối từ phố cổ ra ga Hàng Cỏ như một kẻ bất cần đời, đi chơi khuya theo kiểu một thằng thất tình đi tìm các nàng thơ. Hai đứa chui xuống mái bếp nhà tôi, lại rượu suông, lại thuốc lào rít lên sòng sọc. Đêm ấy, tôi quyết định “tra tấn” bạn bằng một tập bản thảo thơ dày. Nghe tôi đọc một lúc, Cầm đăm chiêu thì thào: “Thơ cậu buồn quá, nghe đọc muốn ho lao mất, tớ không chịu nổi được, thôi đừng đọc nữa...”. Tôi bảo: “Đã hơn chục năm qua, tớ chưa chịu in bài thơ nào cũng bởi, cứ làm rồi đốt, rồi lại làm, rồi lại đốt đến nỗi mẹ tớ bảo: “Con bị tâm thần mất thôi, sao cứ làm thơ rồi lại mang xuống bếp đốt thế kia!”.
Cầm hỏi kiểu chọc ngoáy: “Thế cậu đốt bao nhiêu trường ca rồi?”. Tôi cười bảo: “Trong hơn 10 năm, mình đốt khoảng một yến thơ, mỗi năm đốt 1kg thơ, năm nào cũng vậy!”. Cầm quắc mắt tiếc rẻ: “Con- bệnh- thơ này hóa dại rồi, không cứu nổi đâu!”. Tôi lắc đầu: “Tớ có cảm giác làm thơ là một dạng tâm thần khó chữa nhất, mỗi thằng điên một kiểu, cậu thì đêm đêm lang thang như mèo trên phố vắng đi tìm các nàng- thơ- đêm, còn tớ thì hì hục làm thơ để chinh phục các nàng-thơ- điên rồi cũng đem đốt hết. Thế cậu có biết, khi đem đốt thì thơ có mùi gì không?”. Cầm lắp bắp nói: “Mùi cỏ cháy”. Tôi nổ liền một tràng: “Đấy mới chỉ một phần thôi, mùi khét lẹt nhất là mùi chiến tranh, mùi chiến hào, mùi chiến sỹ, mùi chiến dịch, mùi chiến xa, mùi chiến sự, mùi chiến tích, mùi chiến bại...”. Cầm nhìn tôi ái ngại: “Cậu điên thật rồi, chúng ta điên hết mất rồi, bạn bè ơi... mùi cỏ cháy, mùi chiến tranh chưa chịu rời xa những người từng nằm võng, từng ngủ rừng, từng chia nhau mẩu thuốc dưới chiến hào đẫm máu. Thôi tôi xin cậu đừng đốt thơ một cách phí phạm nữa. Vài năm tới, cậu nhét cả yến thơ của cậu cho vào bao tải mang đến cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, hội Nhà văn cho họ biết thế nào là mùi chiến- binh- thơ, em nhé...”. Cầm nhìn tôi cười khoái trá rồi vớ vội cái điếu cày, khói thuốc lại bay mù mịt như sương sớm dưới mái bếp nhà tôi, hai đứa đã thức trắng đêm để đọc cho nhau nghe những bài thơ cần - phải - đốt của đời thơ mình. Lúc ra về, trời đã tang tảng sáng, Cầm lục túi lấy mấy chiếc bút phấn màu, trang trọng viết vào sổ - tay – thơ của tôi mấy câu thơ “Đầu rất Ngô và mình rất Sở” như sau:
...
Này gió ơi gió ơi hãy hát
Cỏ đã luồn qua đống sắt cong quăn
Đó hoa phượng ôi mười năm hoa phượng
Rơi ngút ngàn trên những hố bom đen
Ta lại đi như mèo trên phố vắng
Mùi thơ ta, mùi cỏ cháy âm thầm
Và chỉ ít năm sau, một chùm thơ trong “yến thơ” tôi gửi tới cuộc thi thơ toàn quốc của báo Văn Nghệ, hội Nhà văn năm 1989-1990 được đăng báo và tôi được trao giải Nhì cuộc thi thơ này. Nghe tin tôi đoạt giải thơ, con- mèo- thơ Hoàng Nhuận Cầm nửa đêm về sáng lọ mọ mò tới nhà in báo ở phố Hàng Tre, xin được tờ báo có in kết quả cuộc thi thơ và danh sách tác giả được giải. Cầm vui quá, chạy một mạch từ nhà in báo về nhà tôi, dọc đường việt dã, vấp ngã, bay luôn một móng chân cái. Lúc đưa tôi tờ báo, mặt Cầm hớn hở như bắt được vàng. Tôi nhìn xuống, thấy chân bạn máu chảy ròng ròng, vội lấy bông băng bịt lại. Hai chục năm sau, bộ phim “Mùi cỏ cháy” của Hoàng Nhuận Cầm giành được nhiều giải thưởng. Được xây dựng dựa trên cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc cùng những tư liệu, hồi ức về chiến tranh, phim truyện nhựa “Mùi cỏ cháy” (Biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm; đạo diễn Nguyễn Hữu Mười; quay phim Phạm Thanh Hà) đề cập đến một thế hệ sinh viên từ giã giảng đường năm 1971 và đi thẳng vào cuộc chiến 81 ngày đêm bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị. Với nội dung sâu sắc và ý nghĩa đầy nhân văn, bộ phim như một cách tri ân những người nằm xuống vì Tổ quốc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-nhu-tieu-thuyet-cua-bac-si-hoa-sung-nhat-duoc-vo-a91459.html